Sunday, November 1, 2020

Nắng Thu

 

Mùa thu, hiển nhiên có nhiều thứ thật đặc biệt, nhiều người bảo là mùa đẹp nhất trong năm. Không biết có phải là vì bị ảnh hưởng của mùa thu vàng lá đỏ của xứ lạnh, hay là cái khí hậu mát mẻ dễ chịu, không gian tĩnh lặng khiến tâm hồn người ta bay bổng lãng mạn mà người ta nói vậy. Nhưng tôi thấy có lẽ cái đặc biệt nhất của mùa thu , dù ở châu Á, Âu hay Bắc MỸ, nhưng nơi tôi đã từng có mặt, có lẽ là nắng.

“Miệng em cười như mùa thu tỏa nắng”

Cái ông nhà thơ nào đó đã tán gái so sánh nụ cười tuyệt đẹp của cô gái với nắng thu, mà sao không so sánh với mùa khác, nắng xuân chẳng hạn, chắc có lý do.



Tất nhiên là không ai thích nắng hè, chí có dân xứ lạnh quanh năm như Canada mới thèm nằng hè đi ra hoạt động ngoài trời, chứ cái nắng gay gắt của mùa hè thì người ta chịu không nổi chỉ muốn nằm trong phòng điều hòa máy lạnh hay đi tắm biển, mà cũng không tắm được cả ngày, chỉ có sáng sớm và chiều khi nắng gay gắt đã dịu.

Tôi không ấn tượng gì với nắng mùa đông ở Hà nội, có lẽ vì mùa đông rất ít nắng, trời luôn xầm xì, nên cũng không có gì để nói, còn khi sang tới Canada, nắng mùa đông, chói chang, hôm nào trời có nắng trong mùa đông là những ngày rất lạnh, trời càng trong xanh cao vời vợi không một gợn mây là hôm đó coi chừng, nhiệt độ thường dưới -20°C.

Dễ chịu hơn là nắng xuân, khi lá đâm chồi, hoa nở rực rỡ. nhưng không có nắng thì mùa xuân cũng vẫn cứ nảy lộc, hoa vẫn cứ khoe sắc, nắng chỉ đóng vi trò phụ tôn lên vẻ đẹp của cây cỏ hoa lá, của sức sống mùa xuân.  

Chỉ có nắng thu là làm nên vẻ đẹp của mùa thu. Nắng vàng như mật ong, trải nhẹ như tơ xuống không gian vốn đã khá dịu dàng của mùa thu. Nắng thu không gắt, rực rỡ mà không nóng, hơi có chút hanh khô, làm trời thu trong vắt, lại càng làm nên cái không gian yên tĩnh gần như tuyệt đối. Ánh nắng phủ lên làm sáng bừng lên những tán lá đổi màu, làm nên cái màu sắc rực rỡ của những rừng lá vàng lá đỏ, hay kể cả những tán lá xanh thì cũng lung linh hơn dưới nắng thu. Nắng thu xuyên lấp lánh những sắc màu của lá, tạo không khí vui tươi nhảy nhót trong cái không khí rất dễ tạo cảm xúc của mùa thu.



Mùa thu những ngày không nắng, những tán lá đủ màu cứ tối sầm lại, xỉn xỉn, trời thu không có nắng khiến tâm trạng người ta dễ buồn da diết, nhất là khi trời trở lạnh, lá rụng, cây xác xơ, thì dễ làm người ta “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”. Dưới ánh nắng, thì kể cả đi dưới những rừng cây xác xơ rụng lá, người ta vẫn có cảm giác vui thích.



Mùa thu tỏa nắng, hay nắng làm tỏa sáng vẻ đẹp mùa thu, hả những nụ cười lấp lánh ánh nắng mùa thu?

Mississauga Nov 1, 2020.

             

Tuesday, December 4, 2018

Thiền Tứ Niệm Xứ.


Mở Đầu,

"Tu là cõi phúc, Tình là giây oan", "Ðời là bể khổ, Tu là giải thoát". Nhưng tu là tu cái gì? Tu làm sao? Tu có phải ăn hiền ở lành, ăn chay niệm Phật không? Hay phải vào chùa cạo tóc xuất gia là tu chăng? Ở đây xin miễn nói về triết lý đạo Phật vì Kinh sách nói về triết lý đạo Phật đã có rất nhiều, nhưng quy tụ cũng không ngoài Tứ Diệu Ðế. Quý vị có thể tìm sách nghiên cứu, hoặc là đến chùa thăm hỏi quý Thầy, quý Cô chỉ cho. Về Tứ Diệu Ðế, trong các kinh sách thường nói như vầy: Khổ đế là quả luân hồi. Tập đế là nhân luân hồi. Diệt đế là quả Niết Bàn. Ðạo đế là nhân Niết Bàn. Chắc chắn Tứ Diệu Ðế là chân lý cao thượng, nhưng theo tôi nghĩ thì Ðạo đế quan trọng hơn cả. Vì chỉ có Ðạo đế mới làm đạo Phật khác hẳn các đạo khác. Vì sao? Vì các đạo khác cũng biết đời là khổ, biết tu hành để cầu sự sung sướng, nhưng con đường đi của họ không thể đưa tới sự giải thoát rốt ráo.
Khổ thì chúng ta đã khổ rồi, nguyên nhân của khổ thì chúng ta đã tạo rồi, Niết Bàn thì chưa đạt tới, chỉ có con đường đưa đến Niết Bàn mà chúng ta cần và đang tiến bước là hiện tại. Chỉ có giờ phút hiện tại là chúng ta có thể sung sướng hay khổ đau, là tốt hay xấu mà thôi. Ngày hôm qua anh B có thể đã giết bao mạng người, nhưng ngày hôm nay đây anh đang cứu sống tôi. Nói như thế, độc giả có thấy được tầm quan trọng của giờ phút hiện tại không?
Nếu thấy được chỉ có trong giờ phút hiện tại mà ta có thể là một người hiền hay ác, sung sướng hay đau khổ, giác ngộ hay vô minh, thì các bạn sẽ cảm thấy hứng thú hành theo pháp Thiền này. Tu Thiền vì sao ít có người hành? Vì đa số chỉ thấy ngày hôm qua và ngày mai thôi, họ ít thấy hiện tại. Những người tu theo Tịnh Ðộ cũng vậy, họ không chịu thấy hiện tại, họ chỉ muốn thấy ngày sau (khi chết) được ở Cực Lạc. Bây giờ chỉ lo đếm tiền, đến tối mới đi niệm Phật vài chuỗi gọi là lấy công với Ðức Phật Di Ðà. Người tu theo pháp môn tụng Kinh thì chỉ ưa tụng những Kinh Ðại Thừa nổi tiếng như Pháp Hoa, Niết Bàn, Hoa Nghiêm, Kim Cang... Mỗi khi đến chùa, có ai hỏi độ này tu hành ra sao, thì trả lời: "Ðộ này tôi tụng được 7 bộ Pháp Hoa, 4 bộ Niết Bàn..." rồi lấy đó làm hãnh diện cho là mình tu nhiều. Kỳ thực tham, sân, si ngã mạn của mình không giảm, mà có điều lại tăng thêm. Ðến chùa thì chỉ hay ăn nói khoe khoang, khen Thầy này, chỉ trích Thầy kia, thế này thế nọ... Ðây không phải chỉ trích ai cả mà để nói lên tình trạng tâm lý của đa số những người tu theo pháp môn tụng Kinh, niệm Phật.
Còn Thiền thì sao? Tình trạng tâm lý của những người tu Thiền có hơn gì người tu Tịnh Ðộ không? Người tu ngày nay chỉ chuyên nghiên cứu Thiền, rõ biết lịch sử của chư Thiền Ðức thuở xưa. Mỗi khi nói đến Thiền, thường đem ra kể cho Phật tử nghe để rồi gieo cho họ ý nghĩ là Thiền dành cho những hàng thượng căn thượng
trí, còn thời nay mạt pháp, chúng ta là hạ căn độn trí chỉ nên niệm Phật cho chắc ăn.
Những hành động, cũng như thành tích của các Thiền Sư chứng ngộ đều có tính cách lạ kỳ, phá chấp, nên nhiều người học Thiền thời nay đều hay bắt chước để rồi tưởng mình cũng phá chấp, phá ngã, đó thật là một điều tai hại và lầm lẫn. Là bậc Thầy, nên chỉ dẫn cho Phật tử phương  pháp hành Thiền, chứ đừng nên kể chuyện Thiền. Dĩ nhiên khi nói về phương pháp hành Thiền thì thấy khô khan và dễ làm chán nản cho người nghe, còn nếu kể chuyện Thiền thì hấp dẫn và vui hơn. Ðó có khác chi một đàng chỉ dẫn cách thức làm bánh, và đàng khác là tả sự ngon ngọt của một cái bánh đã thành hình. Một đàng là nhân, một đàng là quả. Người trí học tạo nhân vì biết quả sẽ do đó tự thành, người thường chỉ lo biết quả bỏ quên nhân. Ðức Phật xưa kia không nói nhiều về cảnh giới của Niết Bàn, ngược lại, Ngài đã giảng dạy suốt 45 năm về những phương pháp đưa đến giải thoát mà ngày nay chúng ta quen gọi là Ðạo Phật.
Ðiều sai lầm của một số người "tu Thiền" (hay là học Thiền) thời nay là chỉ thích đem Kinh sách Thiền ra bàn luận và giảng giải xuyên qua sự hiểu biết của mình. Thay vì nói nhiều về Thiền, một vị Thầy có thể bảo Thiền sinh nhẹ nhàng ngồi xuống, bắt chéo chân theo tư thế bán già hoặc kiết già rồi theo dõi hơi thở. Thay vì ăn uống vội vã hấp tấp cho xong để còn lo đi làm việc khác, một vị Sư có thể lặng lẽ, chậm chạp nâng tách trà lên uống thong thả, đó là dạy Thiền một cách trực tiếp, không cần dùng ngôn ngữ danh từ. Thay vì bắt một chú tiểu học thuộc làu bộ Tỳ Ni, Oai Nghi rồi bắt chú trả bài có lệ trước khi cho thọ giới, vị Thầy đó có thể kiểm soát trực tiếp hoặc cho đệ tử biết giữ chánh niệm, làm việc thong thả, chậm rãi, theo dõi từng cử động của thân thể v.v...
Các nước tu theo Ðại Thừa thường không có địa thế và hoàn cảnh thuận lợi cho việc tu hành nội tâm, chư Tăng phải thường tiếp xúc việc xã hội, quốc gia nhiều, ở trong tình thế dễ làm mất chánh niệm. Nhất là ngày nay, quý Thầy lo tạo chùa to, tượng lớn muốn "hoằng dương chánh pháp", báo Phật ân đức, hành Bồ Tát đạo, thế nên nhiều đầu công mối nợ, Tăng Ni trong chùa phải chấp tác nhiều hơn, và các công việc chùa chẳng khác những việc ngoài đời là bao. Khi các đệ tử ở vào tình thế, hoàn cảnh dễ mất chánh niệm, dễ phiền não, lúc đó các bậc Thầy mới sáng chế ra những phương thức mới mẻ hầu giúp cho đệ tử trở về chánh niệm, thúc liễm thân tâm.
Kinh sách Ðại Thừa của chúng ta rất phong phú, nhưng ngày nay người tu theo Ðại Thừa phần đông chỉ còn là những học giả. Với danh nghĩa hành Bồ Tát đạo, tùy thuận chúng sanh để độ họ, chúng ta đã biến đổi nhiều, và đã đi quá xa mục đích chính của đạo Phật là tìm cầu giác ngộ giải thoát.
Có người bảo Ðại Thừa là sửa đổi giáo pháp làm sao cho hợp thời cơ để độ càng nhiều chúng sanh càng tốt. Nhưng ta hãy nhìn lại xem, hãy so sánh Phật tử Ðại Thừa (Việt Nam, Tàu, Nhật, Ðại Hàn) và Phật tử Tiểu Thừa (Thái Lan, Tích Lan, Miến Ðiện...) xem ai thuần thành hơn, ai sùng đạo và đông hơn? Phật tử Ðại Thừa, nhất là Việt Nam, thường hay xem thường và chỉ trích chư Tăng. Chắc hẳn có những Phật tử không hiểu đạo, ăn không nói có, nhưng cũng có một số người xuất gia tu hành chân chánh. Tuy nhiên chúng ta không nên "vơ đũa cả nắm". Chuyện gì xẩy ra cũng có nhân duyên của nó, không có ai đúng và không có ai lỗi cả, nếu đúng thì đúng hết, nếu lỗi thì lỗi cả. Ở đây ta chỉ nên nhận định một cách khách quan tình trạng Phật giáo Việt Nam mà thôi.
Học rộng, giao dịch nhiều, tụng Kinh, thuyết pháp, đó là "nghề" của chư Tăng. Còn sống lặng lẽ, xa lìa ngũ dục, trở về nội tâm thì sao? Quý Thầy ít cho Phật tử thấy cái gương đó! Vẫn biết phải "y pháp bất y nhân", nhưng ngày nay là đời mạt pháp, căn cơ chúng sanh yếu kém, họ đâu có thể y theo câu đó một cách dễ dàng. Và đến lúc nào đó, người thuyết pháp phải ngưng thuyết pháp và bắt đầu "thực hành" để làm gương cho họ thấy rõ hơn, để lòng tin của họ vững chắc hơn.
Nhìn lại các quốc gia theo Phật giáo Nguyên thủy, mang tiếng chỉ lo tự độ, ích kỷ, nhưng tại sao Phật giáo ở những nơi đó lại là quốc giáo? Tại sao chư Tăng ở đó không cần ứng phú, làm đám, cầu an, cầu siêu, độ sanh, mà Phật tử vẫn theo, vẫn kính nể? Vì mỗi người biết và lo làm bổn phận của mình. Các Sư chỉ lo tu hành, còn Phật tử thì chỉ biết mình có bổn phận hộ trì cúng dường chư Tăng để các vị ấy sớm thành đạo quả, và không đòi hỏi gì khác hơn là Thầy tu chỉ lo tu thôi.
Còn Phật giáo Việt Nam thì sao? Quý Thầy (chịu ảnh hưởng Tàu) chế đặt ra nhiều nghi thức cúng kiến, các lễ lược, văn nghệ để "tùy thuận chúng sanh" để rồi cuối cùng bị kẹt trong ấy, bị biến thành nhân viên của những nghi thức lễ lược ấy. Phật tử chỉ đến chùa khi trong gia đình có người chết hay bị bệnh để cầu siêu, cầu an, hoặc khi có đám chay, đám tiệc, lúc xong thì lấy tiền ra cúng dường quý Thầy hay nói đúng hơn là trả công cho quý Thầy, không còn biết cúng dường hay bố thí một cách trong sạch, bất vụ lợi. Nhất là hầu hết các chùa Việt Nam hải ngoại đều theo Tịnh Ðộ, lấy tụng Kinh ứng phú làm đầu, khiến Phật tử trở nên xem các vị Sư như những "thợ tụng". Thầy nào tụng không hay, giọng không tốt thì không đến chùa đó nữa. Rồi thì quý Thầy sống trong vòng lẩn quẩn, không làm thợ tụng thì không được, vì sẽ không còn được coi như là một ông thầy nữa. Vị nào ý thức điều đó mà muốn thoát ra cũng khó, vì nếu thoát ra lại sợ sẽ không có Phật tử cúng dường, nên đành nhắm mắt, xuôi tay trôi theo thế tình. Trong một gia đình, ai có đông con là tự biết mình có nhiều oan gia ràng buộc, trong chùa cũng vậy, vị Thầy nào có nhiều Phật tử ưa chuộng mình thì cũng có nhiều sự ràng buộc, nhưng đa số quý Thầy lại lấy đó làm hãnh diện, tưởng là mình khéo hướng dẫn Phật tử, mà thật ra đã vô tình làm nô lệ cho Phật tử. Chùa to, nổi tiếng, đông Phật tử là những điều mà đa số người xuất gia ngày nay đều lấy đó làm mục đích đánh dấu sự thành công của mình trên đường đạo. Là Ðại Thừa, theo Bồ Tát đạo, ta được quyền mở mang, dùng mọi phương tiện phát triển đạo, nhưng xin đừng quên và đi quá xa nguồn gốc.
Thiền trong Phật giáo Việt Nam bị lãng quên, không những bị lãng quên mà có khi không có chỗ đứng nữa. Số Phật tử lui tới chùa thường là những người già lớn tuổi, trong đó đa số lại là phụ nữ, tính tình hay cầu cạnh, nương tựa, nên rất thích hợp với lối tu cầu tha lực (Tịnh Ðộ). Thể theo nhu cầu đó, các chùa đã được dựng lập khá nhiều, nhưng đều lấy cúng kiến làm Phật sự chính.
Những người thanh niên tuổi trẻ, ưa chuộng đạo Phật lại thường không hay đến chùa, không khí ở chùa không hợp với họ. Họ là những người thích tự lực, không thích nương tựa mãi nơi cha mẹ, muốn tạo dựng hạnh phúc với chính hai bàn tay của họ. Ðến với đạo Phật, họ chỉ thích tu Thiền, nói Thiền. Nhưng tu Thiền là tu làm sao? Tôi thấy có nhiều người chỉ "quy y sách Thiền" chứ không quy y Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng). Vì không thích lạy Phật, không biết Phật pháp căn bản, không biết kính trọng các nhà Sư. Có việc phải đến chùa thì nghênh ngang, tự tại tựa như "Tổ Ðạt Ma", họ bảo Thiền là phá chấp, "gặp Phật giết Phật, gặp Ma giết Ma". Họ có biết đâu là đang gây cái nhân đọa địa ngục. Tuy vậy ta cũng không nên trách cứ mà ngược lại nên cảm thương họ thì đúng hơn.
Như vậy nếu có người muốn tu Thiền thì  phải làm sao? Phải tu theo Thiền nào? Sách viết về Thiền tông tương đối có khá nhiều, nhưng đa số viết về Thiền học, về văn chương ngôn ngữ Thiền, về triết lý Thiền, về Thiền Trung Hoa... Ở đây tôi muốn giới thiệu, hay đúng hơn là nhắc lại một phương pháp hành Thiền do chính Ðức Phật Thích Ca đã dạy cho các đệ tử, đó là pháp Tứ Niệm Xứ. Pháp hành Thiền này, trong Phật giáo Ðại Thừa hầu như ít ai nhắc tới, mặc dầu các sách Phật học phổ thông có nói sơ qua trong 37 phẩm trợ đạo, nhưng nói một cách quá ngắn gọn về phần lý thuyết và thiếu sót về cách thức tu tập.

(Trích từ cuốn Thiền tứ Niệm Xứ, Hòa Thượng Thích Trí Siêu).

Friday, October 26, 2018

Ý nghĩa của Hạnh Phúc

Diễn văn của S.N. Goenka tại Hội Nghị Kinh Tế Thế Giới tại Davos, Thụy sĩ, 31/1/2000
( Fr. Chronicle of Dhamma)

(Bản dịch của nhóm thiền sinh hỗ trợ Vipassana, không copy dưới mọi hình thức).

Mọi người tham dự diễn đàn này nằm trong một nhóm người độc đáo trên địa cầu. Họ thường là những người giầu có nhất, quyền lực nhất, thành công nhất trên thế giới. Ngay như việc được mời tham dự Diễn Đàn Kinh Tế là sự công nhận địa vị nổi tiếng của họ so với người khác. Khi người nào có tất cả tiền bạc, quyền lực và địa vị mà họ mong ước, họ có nhất thiết được hạnh phúc hay không? Tất cả những sự thành đạt và mãn nguyện này có mang lại mọi thứ không? Hay là có những mức độ hạnh phúc lớn hơn mà ta có thể đạt được?
Hạnh phúc là một trạng thái phù du. Nó qua đi rất nhanh; giây phút này có, giây phút kế tiếp đã biến mất. Một ngày khi tất cả đều xuông xẻ trong công việc, trương mục ngân hàng, trong gia đình, ngày đó có hạnh phúc. Nhưng điều gì xảy ra khi gặp phải những điều không vừa ý? Khi những việc ngoài tầm kiểm soát xảy ra khiến cho hạnh phúc và hài hòa của quí vị bị ảnh hưởng?
Mọi người trên thế giới, bất kể quyền lực và địa vị, đều sẽ gặp những thời kỳ mà tình huống xảy ra ngoài sự kiểm soát và không theo ý mình. Nó có thể là sự phát hiện mình mắc phải chứng bệnh ngặt nghèo; có thể là ly dị hay phát giác người phối ngẫu ngoại tình. Đối với những người quá quen với thành công trong cuộc đời, nó có thể chỉ là sự thất bại nào đó: một quyết định làm ăn sai lầm, công ty của quí vị bị phá sản và quí vị bị mất việc, thất bại trong một cuộc bầu cử, người nào đó được đề cử vào chức vụ mà quí vị ao ước, hay con em của quí vị bỏ nhà ra đi hay chống đối lại những giá trị mà quí vị cho là quí giá. Dù cho quí vị giầu có, tiếng tăm, quyền lực đến đâu đi nữa, những sự kiện trái ý và thất bại như thế thường gây ra rất nhiều đau khổ.
Kế đến là câu hỏi: làm sao để đối phó với những thời kỳ bất hạnh này khiến cho cuộc sống lý tưởng bị xáo trộn? Những thời kỳ như thế chắc chắn xảy ra ngay cả đối với cuộc đời tốt đẹp nhất. Quí vị có hành xử một cách từ tốn và bình tâm hay là quí vị phản ứng bằng sự ghét bỏ đối với nỗi khổ mà quí vị đang chịu đựng? Quí vị có thèm khát hạnh phúc trở lại hay không? Hơn nữa, khi quí vị đã ghiền hạnh phúc và quen với mọi việc đều luôn luôn xảy ra theo ý mình và khi gặp chuyện bất như ý thì sự khổ sở trở thành lớn hơn nhiều. Thật ra nó trở nên không chịu đựng nổi. Nó thường khiến ta tìm đến rượu để đối phó với tình trạng thất vọng và chán nản, và uống thuốc ngủ để được nghỉ ngơi cần thiết để tiếp tục. Trong khi đó ta nói với mọi người là ta rất hạnh phúc bởi vì ta có tiền tài, quyền lực và địa vị
Tôi xuất thân từ một gia đình kinh doanh và là một doanh nhân và tài phiệt vào lúc còn rất trẻ. Tôi xây dựng nhà máy đường, nhà máy dệt, xưởng làm mền, thành lập công ty xuất nhập cảng có văn phòng trên khắp thế giới. Trong tiến trình kinh doanh tôi kiếm được rất nhiều tiền. Tuy nhiên tôi cũng nhớ rõ ràng tôi đã phản ứng như thế nào đối với những sự kiện trong việc kinh doanh và đời tư của tôi trong những năm đó. Hằng đêm, nếu tôi thất bại trong một thương vụ trong ngày, tôi nằm thao thức hằng giờ và cố tìm ra những gì sai trái để lần tới tôi phải làm gì. Ngay cả khi ngày đó tôi thành công lớn, tôi nằm thức để tận hưởng thành quả của mình. Trong khi tôi thành công, tôi không hề có hạnh phúc hay an lạc trong tâm. Tôi nhận thấy rằng an lạc rất gần gũi với hạnh phúc và tôi thường không có cả hai mặc dù tôi giầu có và có địa vị trong cộng đồng.
Tôi nhớ một bài thơ đắc ý của tôi liên quan đến vấn đề này.
Thật dễ để vui;
Khi cuộc đời êm suôi như một khúc hoan ca.
Nhưng một người có bản lãnh,
Là người có thể mỉm cười,
Khi mọi việc đều sai quấy.
Làm sao để mỗi người trong chúng ta đương đầu với những thời kỳ mà mọi việc đều sai quấy là một phần chính trong ‘ý nghĩa của hạnh phúc’, bất kể đến tiền tài, quyền lực, và tiếng tăm của chúng ta.
Nhu cầu căn bản của con người là ai cũng muốn sống một cuộc đời hạnh phúc. Để được như thế, ta phải cảm thấy hạnh phúc thật sự. Cái gọi là hạnh phúc mà ta cảm thấy khi có tiền tài, quyền lực và thú vui giải trí không phải là hạnh phúc thật sự. Nó rất mong manh, không bền vững và dễ mất. Để có hạnh phúc thật sự, hạnh phúc ổn định và bền vững, ta phải làm một cuộc hành trình sâu vào trong tâm và loại trừ mọi bất hạnh tồn trữ trong tầng lớp sâu hơn của tâm. Khi nào đau khổ tại đáy sâu của tâm vẫn tồn tại, mọi cố gắng để cảm thấy hạnh phúc ở bề mặt của tâm đều vô dụng.
Bất hạnh chất chứa ở đáy sâu của tâm tiếp tục sinh sôi nảy nở khi nào ta tiếp tục tạo ra những bất tịnh như tức giận, thù oán, ác ý, và ganh ghét. Luật tự nhiên là, ngay khi ta tạo ra bất tịnh thì bất hạnh lập tức nảy sinh. Không thể nào cảm thấy hạnh phúc và an lạc khi ta tạo ra bất tịnh trong tâm. Hạnh phúc và bất tịnh không thể đi đôi với nhau giống như ánh sáng và bóng tối không thể ở chung. Vào thời xa xưa trong nước tôi, một nhà khoa học siêu việt và vĩ đại đã khám phá ra một phương pháp có hệ thống và khoa học để ta có thăm dò sự thật về hiện tượng tâm-thân ở mức độ trải nghiệm. Phương pháp này được gọi là Vipassana, có nghĩa là quan sát sự thật một cách khách quan, đúng như thật,
Phương pháp giúp ta phát triển khả năng cảm thấy và hiểu được sự tương quan giữa tâm và thân bên trong cấu trúc thể xác của chính mình. Phương pháp Vipassana gồm có luật tự nhiên là bất cứ khi nào bất tịnh nảy sinh trong tâm, cùng một lúc, hai việc bắt đầu xảy ra tại tầng lớp thể xác. Một là hơi thở mất nhịp độ bình thường. Ta bắt đầu thở mạnh hơn khi nào ô nhiễm nảy sinh trong tâm. Đây là sự thật thô thiển và hiển nhiên mà ai cũng có thể cảm thấy. Cùng một lúc, ở tầng lớp vi tế hơn, một phản ứng sinh hóa khởi sự trong người: ta cảm thấy cảm giác trong thân. Mọi ô nhiễm tạo ra không cảm giác này thì cảm giác khác tại phần nào đó trong cơ thể.
Đây là một giải pháp thực dụng. Một người bình thường không thể quan sát những bất tịnh trừu tượng trong tâm: sợ hãi, tức giận, đam mê trừu tượng. Nhưng với sự chỉ dẫn và thực tập đúng đắn thì rất dễ quan sát hơi thở và cảm giác, cả hai vốn liên quan trực tiếp đến những bất tịnh tinh thần.
Hơi thở và cảm giác sẽ giúp ích theo hai cách. Thứ nhất, ngay khi bất tịnh nảy sinh trong tâm, hơi thở mất nhịp độ bình thường. Nó sẽ cảnh báo: ‘ Hãy xem, cái gì đó đã sai trái!’ Tương tự như thế, cảm giác bảo tôi: ‘ Cái gì đó đã sai.’ Tôi phải chấp nhận điều này. Rồi sau khi đã được cảnh báo, tôi bắt đầu quan sát hơi thở, cảm giác, và tôi thấy rằng sự bất tịnh sẽ sớm mất đi.
Hiện tượng tâm thân này giống như hai mặt của một đồng xu. Trên một mặt là ý nghĩ hay cảm xúc nảy sinh trong tâm. Trên mặt kia là hơi thở và cảm giác. Mọi ý nghĩ cố tình hay vô ý, mọi bất tịnh tinh thần đều thể hiện bằng hơi thở và cảm giác trong giây phút ấy. Do đó bằng cách quan sát hơi thở và cảm giác, ta gián tiếp quan sát bất tịnh tinh thần. Thay vì trốn tránh vấn đề, quí vị đang đối diện với sự thật đúng như thật. Rồi quí vị thấy rằng bất tịnh mất đi sức mạnh; chúng không còn khống chế quí vị như trước đây. Nếu quí vị kiên trì, thì rồi bất tịnh cũng hoàn toàn biến mất và quí vị hưởng được an lạc và hạnh phúc.
Bằng cách này, phương pháp tự quan sát cho ta thấy sự thật trong hai trạng thái: bên ngoài và bên trong. Trước đây, ta luôn luôn nhìn ra bên ngoài với cặp mắt mở, bỏ quên sự thật bên trong. Con người lúc nào cũng tìm kiếm bên ngoài về nguyên nhân của sự bất hạnh của họ. Họ lúc nào cũng đổ lỗi và cố thay đổi sự thật bên ngoài. Vô minh về sự thật bên trong, họ không bao giờ hiểu được rằng nguồn gốc của khổ đau nằm ở bên trong, ở những phản ứng mù quáng của họ.
Ta càng thực tập phương pháp này, ta càng sớm thoát khỏi nhưng bất tịnh chừng đó. Dần dần tâm sẽ không còn bất tịnh; tâm trở nên thanh tịnh. Một tâm thanh tịnh lúc nào cũng tràn đầy tình thương, tình thương không ràng buộc cho người khác; tràn đầy từ bi cho sự thất bại và đau khổ của người khác; tràn đầy hỷ lạc cho sự thành công và hạnh phúc của họ; tràn đầy bình tâm trong mọi hoàn cảnh.
Khi ta đạt đến giai đoạn này, toàn thể khưôn mẫu của đời mình bắt đầu thay đổi. Không thể nào ta có thể làm điều gì bằng lời nói hay việc làm phá rối sự an lạc và hài hòa của người khác. Trái lại, một tâm quân bình không những trở nên an lạc mà còn giúp người khác trở nên an lạc. Bầu không khí xung quanh một người như thế tràn đầy an lạc, hòa hợp và hạnh phúc thật sự. Chúng cũng bắt đầu ảnh hưởng đến người khác. Sự chứng nghiệm trực tiếp sự thật nội tâm, phương pháp tự quan sát này được gọi là Vipassana. Nó là đường lối giản dị trực tiếp đưa đến một cuộc sống hạnh phúc thật sự.
Có những yếu tố khác nhau để sống một cuộc sống hạnh phúc. Một số yếu tố này liên quan đến nhóm người tham dự hội nghị này. Khi quí vị có tất cả tiền bạc và của cải mà quí vị mong ước, làm sao quí vị có thể vui hưởng những đặc ân này trong khi có hằng triệu người đang đói khát. Trong khi không có điều gì sai trai trong việc kiếm tiền để chu cấp cho mình, cho gia đình và những người phụ thuộc vào mình, quí vị cũng nên trả lại cho xã hội. Quí vị kiếm được tiền bạc từ xã hội, do đó quí vị nên trả lại ít nhiều. Thái độ phải là: ‘Tôi kiếm tiền cho tôi nhưng tôi cũng kiếm tiền cho người khác.’
Một khía cạnh khác của hạnh phúc trong việc kinh doanh là phải chắc rằng những gì quí vị làm để kiếm tiền không làm hại hay tổn thương người khác. Đây là trách nhiệm lớn lao.Tiền bạc kiếm được mà làm hại sự an lạc và hạnh phúc của những người khác không bao giờ mang lại hạnh phúc cho quí vị. Hạnh phúc thật sự không phải là của cải hay thành đạt hay giàu sang hay quyền lực. Nó là trạng thái nội tâm con người phát xuất từ một tâm thanh tịnh và an lạc. Vipassana là một phương tiện giúp mọi người đạt được trạng thái đó.





Wednesday, October 24, 2018

THIỀN LÀ GÌ

                                                      What Meditation Is – William Hart
                                                    Sayagyi U Ba Khin Journal (p191-193)
                                                                                                                    
(Bản dịch do nhóm thiền sinh Vipassana thực hiện, không copy dưới mọi hình thức).

 Năm 1976 tôi nghỉ việc và tới sống tại một thành phố nhỏ ở Ấn Độ để học thiền. Khi người khác nghe thấy như thế, họ thường hỏi tôi, “Bạn làm gì khi hành thiền?” Dĩ nhiên theo nghĩa thông thường, thiền có nghĩa là “không-làm-gì-hết,” chúng ta phải ngưng tất cả những gì chúng ta thường làm trong cuộc sống hằng ngày, và bắt đầu làm điều ngược lại.

Phương pháp thiền tôi học được gọi là Vipassana. Đây là một từ bằng tiếng Pali, ngôn ngữ ở Ấn Độ vào thời của Đức Phật. Vipassana có nghĩa là tuệ giác, tuệ tự chứng - thấy thực tế, sự thật; hiểu thấu đáo sự thật bằng cách chứng nghiệm sự thật trong bản thân.

Trong suốt cuộc đời, chúng ta bận rộn nhìn ra bên ngoài. Chúng ta chỉ bận tâm xem người khác đang làm gì, chúng ta không quan tâm đến chính mình. Khi hành thiền, chúng ta phải thay đổi những việc đó, và bắt đầu quan sát chính mình.

Chúng ta ngồi xuống, bất động và nhắm mắt lại. Không có cái gì để nghe và thấy, không quan tâm đến điều gì bên ngoài. Do đó chúng ta nhìn vào bên trong và thấy rằng điều lớn nhất đang xảy ra là hơi thở của chính mình. Chúng ta bắt đầu để ý tới thực tại này: hơi thở đi vào, đi ra. Chúng ta cố chú tâm vào hơi thở càng lâu càng tốt, phớt lờ đi những ý nghĩ khác.

Ngay lập tức chúng ta thấy điều này khó làm như thế nào. Ngay khi cố chú tâm vào hơi thở, chúng ta lại quan tâm tới sự đau nhức ở chân. Ngay lúc chúng ta cố chặn đứng những ý nghĩ, hằng ngàn điều hiện ra trong tâm. Ngay lúc chúng ta cố quên đi quá khứ hay tương lai và cố gắng có ý thức về hơi thở hiện hữu đi qua mũi ngay trong giây phút này, thì ngay lập tức, một số ký ức dễ chịu hay khó chịu, một số kỳ vọng hay lo sợ cho tương lai nảy sinh. Chúng ta mau chóng quên bẵng đi những gì chúng ta định làm.

Sự kiện là tâm giống như một đứa trẻ được nuông chiều quá mức với quá nhiều đồ chơi. Nó bắt đầu chơi với một thứ, rồi trở nên nhàm chán và vớ lấy một món khác, rồi một món khác. Cùng một kiểu cách, tâm không ngừng nhảy từ một đối tượng này sang một đối tượng khác, và bằng cách này chúng ta không ngừng trốn tránh thực tế.

Bây giờ chúng ta phải chặn đứng điều ấy. Thay vì cố gắng trốn tránh, chúng ta phải đối diện với thực tại, cho dù có thế nào đi nữa. Và như vậy, chúng ta kiên nhẫn cố mang tâm trở lại với hơi thở. Chúng ta thất bại và lại cố làm đi làm lại.

Sau một thời gian chúng ta thấy rằng tâm đã chú ý lâu hơn một chút vào đối tượng là hơi thở. Chúng ta đã thành công cho dù là rất ít ỏi trong việc thay đổi khuôn mẫu hành xử của tâm, tập cho tâm tập trung chỉ vào một đối tượng duy nhất.

Dùng sự tập trung mạnh mẽ này, chúng ta cố tình thay đổi một cách có hệ thống đối tượng của sự chú tâm, để khảo sát mọi phần của cơ thể; và bởi vì tâm và thân tương quan mật thiết với nhau, chúng ta đồng thời khảo sát tâm của mình.

Sự tự khảo sát này thường mang lại cho hành giả nhiều điều ngạc nhiên. Nhiều cảm xúc phức tạp trong quá khứ phát sinh từ tầng lớp sâu thẳm trong vô thức - đủ loại những ký ức, những ý nghĩ và cảm xúc đã quên bẵng đi từ lâu. Đặc biệt trong lúc mới bắt đầu, những ký ức đã quên này thường đem lại nhiều khó chịu về thể xác cũng như tinh thần, ngay cả đau đớn.

Tuy vậy, chúng ta không để cho sự khó chịu này ngăn cản sự hành thiền. Công việc của chúng ta là quan sát sự thật của bản thân, bất kể là gì đi nữa - giống như một khoa học gia quan sát một thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Chúng ta thường phản ứng lại bất cứ ý nghĩ nào, bất cứ cảm xúc nào, bất cứ ấn tượng nào hiện ra trong tâm. Nếu nó là cái gì dễ chịu, chúng ta bắt đầu mong muốn nó – thêm nữa, thêm nữa; nếu nó là khó chịu, chúng ta bắt đầu ghét bỏ nó – làm sao để tránh né hoặc trốn chạy. Nhưng khi ta hành thiền, chúng ta chỉ nên biết đến những gì xảy ra trong bản thân, và chấp nhận nó là sự thật. Chúng ta không cố thay đổi nó hay trốn tránh nó; chúng ta chỉ quan sát mà không phản ứng.

Nếu chúng ta kiên trì, chúng ta sẽ nhanh chóng nhận ra rằng những trải nghiệm của chúng ta không ngừng thay đổi. Từng giây phút, ý nghĩ trong tâm thay đổi. Sự thực này, sự thật của chính tôi – đang thay đổi từng giây phút. Không cái gì tồn tại mãi mãi – ngay cả đối với cái dễ chịu hay khó chịu nhất.

Như vậy bằng cách quan sát chính mình, chúng ta tới lúc hiểu, bằng sự trải nghiệm của chính mình, một điều quan trọng: Anicca (tiếng Sanskrit anitya) – vô thường, sự thực của đổi thay. Mọi thứ trong tôi, và cũng như mọi thứ ở thế giới bên ngoài, đang thay đổi từng giây phút.

Dĩ nhiên là chúng ta biết điều này, và những nhà khoa học hiện đại đã chứng minh điều này là đúng – là toàn thể thế giới vật chất gồm những vi tử li ti sinh diệt hằng triệu lần trong một giây Nhưng thay vì chỉ nghe nói về sự thật này hay hiểu biết bằng tri thức, chúng ta trực tiếp chứng nghiệm được nó bằng cách thiền.

Chúng ta tiếp tục và chúng ta nhanh chóng nhận ra rằng, nếu không có cái gì tồn tại hơn một khoảnh khắc, rồi thì không có cái gì trong tôi gọi là ngã, một bản thể - không tôi, không ta, không của tôi. “Cái “Tôi” này chỉ là một hiện tượng, một tiến trình luôn luôn thay đổi. Và khi nào ta cố nắm giữ cái gì đó, nói là “Đây là Tôi, đây là ta đây là của tôi,” thì ta làm cho mình không vui, ta gây ra khổ đau cho chính mình - bởi vì không sớm thì muộn, cái đó sẽ mất đi, hay là cái Tôi” cũng mất đi.

Tôi hiểu tất cả những điều này không phải vì ai đó nói cho tôi biết – tôi tự mình chứng nghiệm bằng cách tự quan sát.

Thế thì ta tự làm cho mình khổ bằng cách nào? Rất giản dị: thay vì cố nắm giữ một kinh nghiệm và tránh né một kinh nghiệm khác, níu kéo cái này về mình, xua đuổi cái kia đi chỗ khác – tôi chỉ quan sát; tôi không phản ứng. Tôi quan sát với sự bình tâm, với một tâm quân bình.

Nghe thì có vẻ dễ dàng, nhưng ta sẽ làm gì khi ngồi thiền một tiếng đồng hồ, và sau mười phút bắt đầu cảm thấy đau ở đầu gối? Ngay lập tức tôi ghét bỏ cái đau; tôi muốn cái đau mất đi. Nhưng nó không mất đi, và tôi càng ghét bỏ, nó lại càng đau.

Nếu tôi học được cách chỉ quan sát cái đau trong một khoảnh khắc - nếu tôi có thể quên đi trong giây lát đây là cái đau của tôi, rằng tôi cảm thấy đau - nếu tôi chỉ khảo xét cảm giác như một nhà khoa học – thì rất có thể tôi sẽ thấy rằng cái đau tự nó biến đổi. Nó không tồn tại mãi mãi. Nó thay đổi từng giây phút, diệt mất, rồi lại phát sinh, rồi lại thay đổi.

Khi tôi hiểu được điều này, bằng kinh nghiệm của chính mình, thì rồi tôi thoát khỏi cái đau. Nó không chế ngự được tôi. Nó có thể mất đi một cách nhanh chóng hoặc có thể không – nhưng nó không thành vấn đề đối với tôi nữa. Tôi không còn bị khổ vì cái đau nữa bởi vì tôi có thể quan sát nó. Tôi đã bắt đầu làm cho mình hết khổ.

Và tôi làm được tất cả những việc này bằng cách ngồi yên với mắt nhắm lại, cố gắng ý thức được những gì đang xảy ra trong người.

Mục đích của thiền Vipassana là để thanh lọc tâm, giải thoát tâm khỏi những khổ đau và những nguyên nhân gây ra khổ. Thông thường chúng ta không hay biết những gì đang thực sự xảy ra. Chúng ta lang thang trong quá khứ hay trong tương lai, mù quáng vì sự thèm muốn và ghét bỏ; và chúng ta luôn bị giao động, đầy căng thẳng.

Nhưng bằng cách hành thiền chúng ta học được cách đối diện với sự thật của giây phút này mà không sinh ra thèm muốn hay ghét bỏ. Chúng ta quan sát với nụ cười - với sự bình tâm, với tâm quân bình.

Ý thức và sự bình tâm này rất hữu dụng cho chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Thay vì vô minh với những gì đang thực sự xảy ra – vô tình theo đuổi một cách mù quáng những thèm muốn, sợ hãi, thù ghét – bây giờ chúng ta có thể thấy được sự thật trong bất cứ tình huống nào. Rồi thay vì phản ứng (tạo nghiệp) một cách mù quáng và tạo thêm căng thẳng, chúng ta có thể có hành động thực sự, không bị ràng buộc và sáng tạo có lợi cho chúng ta và người khác.
Mọi người đều phải đối diện với những khó khăn giống nhau trong cuộc đời: những điều xảy ra mà chúng ta không muốn; sự việc không xảy ra theo ý mình. Trong những trường hợp này, nếu tôi phản ứng một cách mù quáng, tôi tự làm mình và người khác khổ. Nếu giữ được sự bình tâm thì ta duy trì được hạnh phúc và có thể giúp người khác được hạnh phúc.

Khi một người bị bệnh được hồi phục, đương nhiên người đó cảm thấy vui. Khi môt người mù được thấy trở lại, đương nhiên người đó cảm thấy vui. Tương tự như thế khi chúng ta biết cách thoát khỏi khổ đau, tự nhiên là chúng ta cảm thấy vui. Trước đây chúng ta ép buộc người khác san sẻ sự bất hạnh của mình; bây giờ chúng ta muốn người khác san sẻ sự an lạc và niềm vui của mình.

Bởi vậy một người hành thiền đích thực cố thay đổi thế giới sau khi đã thay đổi chính mình. Có thể hành động của người đó chỉ là sự tươi cười thay vì nhăn nhó – nhưng nụ cười đó có thể gây ảnh hưởng rất sâu rộng nếu đó là nụ cười phát xuất tự con tim. Mặt khác một nụ cười sẽ vô dụng nếu nó chỉ là sự che đậy những căng thẳng trong tâm.

Chắc chắn là chúng ta có bổn phận tinh thần để cải thiện thế giới được tốt đẹp hơn – và chúng ta phải bắt đầu bằng phương tiện có sẵn gần gũi nhất: chính chúng ta. Làm được như thế, chúng ta có khả năng làm được mọi thứ.

Như thế, đây là thiền theo sự hiểu biết của tôi: một nghệ thuật sống

Năm Câu Hỏi Về Kamma (Nghiệp)

                                                                                       Venerable Ledi Sayadaw
Ledi Sayadaw là nhà sư nổi tiếng của Miến điện thế kỷ 20, một học giả nổi tiếng với các sách viết về Vi diệu Pháp (Abhidharma), Tứ niệm xứ (Pariyatti) và thiền Vipassana được xuất bản rộng rãi bằng tiếng Anh. Ông người có công khôi phục phương pháp thiền Vipassana nguyên thủ từ thời Đức Phật vốn chỉ giới hạn trong tăng chúng Miến điện ra đại chúng, là ông tổ của Vipassana hiện đại, mà hậu duệ là dòng thiền Vipassana của U Ba Khin và S.N. Goenka.
Một nhóm những nhà tự tưởng người Pháp tại Paris gặp Ngài Monywa Ledi Sayadaw và đặt những câu hỏi về Kamma (Nghiệp) và những đề tài tương tự.

(Dưới đây là bản dịch của nhóm thiền sinh hồ trợ Vipassana).



Hỏi:  Thưa Ngài, Kamma (Nghiệp) của cha mẹ có quyết định hay ảnh hưởng đến nghiệp của con cái không? (Ghi chú – Về thể chất, con cái thừa hưởng những đặc tính của cha mẹ).

Trả lời: Về thể chất, nghiệp của con cái thường do nghiệp của cha mẹ quyết định. Bởi vậy, cha mẹ lành mạnh thường sinh ra con cái khỏe mạnh, và cha mẹ ốm yếu chỉ sinh ra con cái ốm yếu. Mặt khác, về mặt tinh thần, nghiệp của người cha hay người mẹ không có ảnh hưởng hay quyết định nào đến nghiệp của con cái. Nghiệp của người con là một nghiệp riêng biệt – nó tạo ra cá tính của đứa bé, tổng số những công đức và demerits tích lũy trong vô lượng kiếp quá khứ. Ví dụ, nghiệp của Đức Phật sẽ thành – thái tử Siddattha, chắc chắn không bị ảnh hưởng bởi cộng nghiệp của cha mẹ Ngài, Vua Suddhodana và vợ là Hoàng hậu Maya. Nghiệp huy hoàng và mạnh mẽ của Đức Phật vượt trội nghiệp của cha mẹ Ngài. Nghiệp tổng hợp của cả cha lẫn mẹ cũng không có uy lực bằng nghiệp của chính Ngài.

II. Hỏi: Thưa Ngài, nếu nghiệp của cha mẹ không có ảnh hưởng đến con cái, thì làm thế nào để giải thích sự kiện là, khi cha mẹ bị bệnh do nhiễm trùng, thường có khuynh hướng truyền những bệnh này cho con cái.

Trả lời: Khi người con bị chứng bệnh như thế do di truyền, là vì sức mạnh do tính chất của cha mẹ, bởi vì utu của cha mẹ (điều kiện sinh sản). Ví dụ, lấy hai hạt giống từ một cây; gieo một hạt tại chỗ đất khô cằn, sỏi đá; và hạt kia ở chỗ đất mầu mỡ, ẩm ướt. Kết quả, chúng ta sẽ thấy, hạt giống thứ nhất sẽ mọc thành một cây òe ọt, và sẽ nhanh chóng trở nên bệnh hoạn, héo tàn, trong khi hạt kia sẽ lớn nhanh và tươi tốt thành cây cao lớn, mạnh khỏe.
Nếu quan sát sẽ thấy rằng hai hạt giống lấy từ một cây tăng trưởng khác nhau tùy theo loại đất mà chúng được gieo trồng. Nghiệp quá khứ của một đứa trẻ (lấy trường hợp của con người) có thể so sánh với hạt giống; thể chất của người mẹ giống như đất; thể chất của người cha như hơi ẩm làm đất mầu mỡ. Để làm sáng tỏ đề tài, chúng ta có thể nói một cách đại cương, gom sự nảy mầm, sự tăng trưởng và sinh tồn vào làm một, hạt giống chịu trách nhiệm, giả thử là một phần mười, đất sáu phần mười, và hơi ẩm ba phần còn lại. Như vậy, mặc dù sức mạnh của sự nảy mầm rất mạnh trong hạt giống (đứa trẻ), sự tăng trưởng tùy thuộc và gia tăng rất nhiều do đất (người mẹ), và hơi ẩm (người cha).
Bởi vậy, cho dù điều kiện của đất và hơi ẩm chịu trách nhiệm phần lớn về yếu tố tăng trưởng và tình trạng của cây, phải thêm vào ảnh hưởng của cha mẹ (tổ tiên, trong trường hợp thế giới của động vật) liên quan đến sự thụ thai và tăng trưởng của con cái.
Phần của cha mẹ (hay tổ tiên) trong nghiệp quyết định đến yếu tố thể chất của con cái như sau - Nếu họ là người, thì con cái của họ là người. Nếu là trâu bò thì phải sinh ra thứ cùng giống. Nếu là người Hoa, con cái phải là người cùng chủng tộc. Như vậy, con cái luôn luôn phải cùng giống nòi, chủng loại v.v.., như tổ tiên của họ. Từ ví dụ trên đây sẽ thấy rằng, mặc dù nghiệp của người con tự nó rất là mạnh, nó không thể hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi cha mẹ chúng. Nó phải thừa hưởng đặc tính thể chất của cha mẹ. Tuy thế, có thể có trường hợp nghiệp của người con hết sức mạnh mẽ, ảnh hưởng cộng nghiệp của cha mẹ không thể hơn được. Dĩ nhiên, cũng không khó để cho thấy rằng ảnh hưởng (thể chất) xấu của cha mẹ cũng có thể sửa đổi bằng y khoa.
Mọi chúng sinh ra đời, qua sự giao hợp, là kết quả do ảnh hưởng của ba lực - một là nghiệp cũ của kiếp trước, kế đến là tinh dịch của người mẹ, ba là tinh dịch của người cha. Sức mạnh về thể chất của cha mẹ có thể hay không có thể, có lực giống nhau. Không nhiều thì ít, người này có thể ảnh hưởng đến người kia bằng cách này hay cách khác. Nghiệp của người con và đặc tính về thể chất, chẳng hạn như chủng tộc, màu da v.v.., sẽ là sản phẩm của ba lực này.

III. Hỏi: Thưa Ngài, vào lúc chết của một người, có một “linh hồn” đi vất vướng một cách tự do không?

Đáp: Khi một người lìa đời, người đó tái sinh hoặc là một người, một Deva (Thần, Thánh), một chư thiên (Brahma), một sinh vật hạ cấp, hay một cư dân tại một trong những cõi địa ngục. Người nghi ngờ hay vô minh cho rằng có một giao thời giữa hai giai đoạn này; và có những chúng sinh không phải là người cũng không phải là thần thánh, hay chư thiên hay thuộc bất cứ cảnh giới nào mô tả trong Kinh điển, nhưng ở giai đoạn giao thời. Một số người khẳng định rằng những sinh vật trong giai đoạn chuyển tiếp này có cả năm tập hợp.
Một số khẳng định rằng những chúng sinh này là những hồn lìa khỏi xác. Một số khác quả quyết rằng những chúng sinh này có khả năng biến thành thần linh, và hơn thế nữa, họ có khả năng thay hình đổi dạng rất nhanh chóng, bất cứ khi nào muốn, từ dạng này sang dạng khác như đã mô tả trên đây. Một số người khác, có giả thuyết sai lầm, hoang tưởng là những chúng sinh này có thể sống trong bất cứ cảnh giới nào không phải là cảnh giới thực của họ; do đó, lấy ví dụ của một chúng sinh như thế. Hắn là một người nghèo nhưng tưởng là mình giàu có. Hắn có thể ở trong địa ngục, tuy nhiên lại tưởng mình ở trong chỗ của thần thánh, và những thứ tương tự như thế. Niềm tin cho rằng có giai đoạn giao thời giữa hai kiếp sống là sai lầm, và bị lên án trong giáo lý Phật giáo. Một người trong kiếp này, nếu nghiệp của họ quyết định họ được sinh ra làm người, trong kiếp kế tiếp sẽ được sinh ra đúng như thế. Một người, nghiệp của họ cho rằng sẽ được sinh ra làm thần thánh trong kiếp kế tiếp, thì sẽ được ở trong cõi thần thánh. Người trong kiếp kế tiếp sẽ bị đọa địa ngục, sẽ phải sống trong một trong những cõi giới địa ngục trong tương lai.

Quan niệm của những người vô minh hay duy vật cho rằng, có một chúng sinh, một linh hồn, đang đi, đang đến, đang biến chuyển, đang thay hình đổi dạng từ một dạng này sang dạng khác, hoàn toàn không phù hợp với Dhamma. Không có cái gì gọi là đang đi, đang đến, đang biến chuyển  v.v…giữa hai kiếp sống. Quan điểm phù hợp với Dhamma có thể làm sáng tỏ bằng hình ảnh phát ra từ máy chiếu phim, hay âm thanh phát ra từ một máy hát hay máy CD, và sự tương quan giữa phim và loa phóng thanh hay CD và máy CD. Ví dụ, một người chết đi và được sinh ra trong cõi trời. Mặc dù hai cõi này khác nhau, tuy nhiên sự liên hệ và liên tục giữa hai kiếp không bị gián đoạn vào lúc chết. Và cũng giống như thế trong trường hợp người bị sinh ra trong cõi địa ngục. Khoảng cách giữa cõi địa ngục và cõi người có vẻ như rất lớn. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, sự liên tục trong sự chuyển tiếp từ kiếp này sang kiếp khác không bị gián đoạn, và không một sự can thiệp nào bằng thể chất và không gian có thể ngăn chặn được chiều hướng nghiệp của người này, từ cõi người sang cõi địa ngục. Sự chuyển tiếp từ cõi này sang cõi khác là ngay tức khắc, và hoàn tất nhanh hơn rất nhiều so với một nháy mắt hay một tia chớp.
Nghiệp quyết định lãnh vực tái sinh và cảnh giới của tất cả mọi chúng sinh (trong chu kỳ kiếp đời phải trải qua cho tới khi đạt được Niết Bàn vào giờ cuối).

Nghiệp và nghiệp quả có nhiều hình thức, và có thể ảnh hưởng bằng nhiều cách. Cúng dường trong tôn giáo có thể được sinh ra làm người, hay làm thần thánh ở một trong sáu cõi trời tùy thuộc vào mức độ cúng dường. Và cũng như thế đối với việc giữ giới (sila). Năm Jhanas (tầng thiền định), hay giai đoạn giác ngộ, được sinh ra trong cõi trời (Brahma-lokas) cho tới cảnh trời cao nhất là cảnh trời thứ 21. Và cũng tương tự như thế đối với những hành động bất thiện, có thể bị sinh vào cõi thấp nhất của cảnh giới địa ngục khốn khổ, tùy theo mức độ của sự bất thiện. Do đó, nghiệp của chúng ta, quá khứ, hiện tại và tương lai, đã, đang và sẽ vĩnh viễn là tổng hợp của những hành động, tốt, không tốt không xấu, xấu của chúng ta. Như đã thấy ở đoạn trước, nghiệp của chúng ta quyết định sự thay đổi về cuộc đời của mình.

Ma quỷ do đó không phải là những chúng sinh ở trong giai đoạn chuyển tiếp giữa hai kiếp sống, nhưng thật ra là những chúng sinh hạ đẳng và họ thuộc vào một trong năm cảnh giới, cõi người, cõi Trời; cõi địa ngục – cõi súc sanh dưới cõi người, cõi ngạ quỷ.
Họ rất gần cõi người,. Bởi vì họ ở trong tình trạng bất hạnh, họ thường bị gán cho là ma quỷ. Tất cả mọi người khi chết đi đều trở thành ma quỷ là điều không đúng, mặc dù những người chết thình lình, hay dữ dội thì thường sinh vào cảnh trời thấp nhất.

IV. Hỏi: Thưa Ngài, có trường hợp nào, một người khi chết đi, lúc tái sinh, người đó có thể nói chính xác về cuộc đời của mình trong kiếp trước?

Đáp: Chắc chắn là có. Đây không phải là điều hiếm khi xảy ra. Và nó phù hợp với nguyên lý Phật giáo về phương điện Dhamma. Một người như thế được gọi là jatissarapuggalo, một người bình thường, từ lúc sinh ra nhớ được quá khứ.
Những người sau đây, (gồm đại đa số những chúng sinh) không thể nhớ lại kiếp quá khứ, nếu được sinh ra làm người.
-        Trẻ em chết non.
-        Người chết vì tuổi già và bệnh tật.
-        Người nghiện nặng rượu và ma túy.
-        Người sinh ra từ người mẹ bị bệnh tật, làm việc cực nhọc, hay liều lĩnh hay cẩu thả trong lúc mang thai. Đứa trẻ trong bụng bị sốc và hoảng hốt nên quên hết về kiếp quá khứ.
Những người sau đây có khả năng nhớ lại kiếp quá khứ.
-        Những người không tái sinh vào kiếp người và trong tiến trình về cõi Thần Thánh, cõi trời, hay cõi địa ngục, nhớ được kiếp quá khứ.
-        Những người chết bất đắc kỳ tử vì tai nạn trong lúc đang khỏe mạnh, có thể có khả năng này trong kiếp tương lai, với điều kiện người mẹ trong lúc mang thai phải được khỏe mạnh, sống trong sạch và yên tĩnh.
-        Thêm vào đó, những người sống cuộc sống chừng mực, đạo đức, trong kiếp trước đã mong ước và nguyện cầu có được khả năng này, thường đạt được ước nguyện.
-        Sau hết là Đức Phật, các vị Arahant và Ariyas (Bậc Thánh) đều có khả năng này, được gọi là pubbenivasaabbhinna.

V. Hỏi: Thưa Ngài, năm Abbhinna (thần thông) là gì? Có phải chỉ có Đức Phật mới đạt được thần thông hay không?

Đáp: Năm Abbhinana (thần thông). Từ Pali, Abhi là ngoại hạng, nana là trí tuệ: thần lực, thần nhĩ, đọc được ý nghĩ của người khác, nhớ được kiếp quá khứ, thần nhãn.
Năm thần thông đạt được, không những chỉ do những vị A La Hán và Thánh nhân mà những người bình thường tu tập theo kinh điển cũng đạt được năm thần thông; như trong trường hợp của những vị ẩn sĩ v.v.. thành công rất nhiều trong thời của Đức Phật, những người có thể bay trên không, và du hành qua những cảnh giới khác nhau.
Chúng ta thấy phương cách để đạt được năm thần thông được chỉ rõ trong kinh điển Phật giáo; ngay trong thời đại này, nếu những phương cách này được theo đuổi một cách cẩn thận và kiên trì thì rất có thể đạt được điều này. Lý do vì sao ngày nay, chúng ta không thấy người nào có khả năng về năm thần thông là vì thiếu nỗ lực tích cực về thể chất cũng như tinh thần đối với mục tiêu này.