Sunday, August 2, 2015

Cháo chửi

Nhân chuyện cô giáo tiếng Anh nổi tiếng ca nhạc RAP, làm tôi nhớ về thời đầu tiên năm 97-98 đi học luyện TOEFL, lúc đó ở Hà nội rất ít người dạy. Thầy dạy tôi rất nổi tiếng ở cả hai khía cạnh là dạy giỏi (so với thời bấy giờ khi trình độ mình quá phọt phẹt, còn giờ thì chịu)/ chửi học sinh như hát hay, các loại bò, chó ,lợn được nhắc đến đủ cả. Đại đa số học trò không chịu được nhiệt nên bỏ, còn một số bạn chịu được nhiệt thì có khi cũng phải cám ơn thầy vì có khi thầy chửi mà tôi tuy dốt cũng phải học. Tuy nhiên có một bạn do trẻ con cấp 3 chưa đủ bản lĩnh, bị thầy chửi khóc lóc về kể với mẹ, nhà bạn í ở phố Huế, đoạn phố Thịnh Yên Yên bái gì đó, mẹ bạn ấy nghe xong sai ngay hai đệ tử đến gọi thầy ra vuốt cho thầy vài phát vào má. Còn một đại ca cũng lớp với tôi, sau này nghe đâu làm chức thầy cũng to to trong trường ĐHBK hà nội, thì nghe thầy chửi ngu không bằng mấy con ở trên trong khi bác ấy đã là tiến sỹ (Nga xịn), cầm luôn cái ghế tí phang lại thầy, nói là ông chỉ là thạc sỹ , hơn gì tôi, may các bạn cùng lớp can kịp. Sau câu chuyện này thì tôi nghĩ là hay là nguời  giỏi đều có tí cá tính lập dị, hay là (tự cho mình) giỏi nên cố tạo cho mình cái quyền được lập dị. Cũng như đi ăn ở rất nhiều quán ăn gọi là có tiếng HN, cháo bị chửi suốt ngày, phở thì phải bưng bát xếp hàng, làm bạn mình dân trong Nam ra không chịu được. Trong khi dân HN thì hí hửng coi như đó là nét văn hóa, có khi phải có tí chửi mới nổi tiếng, càng chửi càng đông, lạ thế.
Âu cũng là do số lượng dịch vụ, đồ cung chất lượng ít nên người bán có quyền còn người mua thì cắn răng , còn khi hàng tốt dồi dào thì người mua có quyền chọn lựa mua chỗ nào hàng hóa chất lượng vừa tốt và thái độ phục vụ tôn trọng khách hàng và coi khách hàng là thượng đế. Tôi thì trước đây cố mà chịu để vào ăn những quán cháo chửi, phở xếp hàng, còn giờ đây khi chất lượng các nơi nó “xêm xêm”, chưa kể các hàng quán còn sập xệ, mất vệ sinh ngay bên cạnh cống rãnh vỉa hè thì mình cứ chọn nơi nào sach sẽ tuy có thể không ngon bằng chỉ gần bằng nhưng được phục vụ sướng là mình vào. Cũng như ông thầy cũ của mình, giờ chắc sẽ không thể có nhiều học sinh như thời xưa khi có rất nhiều người giỏi bằng, hơn ông ấy mà dạy thái độ lại nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Chắc chắn cái văn hóa bán hàng khệnh khạng, chửi bới của một số người bán ở ngoài Bắc sẽ bị các bạn trong Nam mang thái độ phục vụ khách hàng thượng đế ra oánh bật. Đã bắt đầu có một số quán café, sinh tố do các bạn người Nam ra và training nhân viên Bắc về cung cách phục vụ khách hàng cho tử tế.  Nhưng dân Bắc vẫn thích cháo chửi phở xếp hàng coi đó là nét riêng của xứ Bắc để vẫn ùn ùn kéo đến ăn thì tôi chịu, biết đâu chỉ có mỗi tôi thấy khó chịu, còn đa số bà con coi thế mới là ngon thì tôi cũng chả dám có ý kiến

Friday, July 17, 2015

Lan man về “đi chơi”-du lịch khám phá.

Có lẽ tôi phải cảm ơn lần đi xe hàng nghìn km dọc bờ biển Atlantic cùng thầy hướng dẫn và bạn học cùng đến bờ Đông Canada , nơi có bờ biển Đại Tây Dương giữa tháng 6 trời mùa hè mà nhúng chân xuống biển thấy lạnh ngắt, được nhìn thấy vịnh Fundy, nơi có thuỷ triều cao nhất thế giới, đến đồi nam châm ngồi lên xe ô tô cho nó tự chạy ngược từ dưới chân dốc lên đỉnh đồi, rồi sau đó trong những chuyến đi dã ngoại cũng bạn bè ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên ở Canada và Mỹ,  đã thôi thúc tôi niềm ao ước được khám phá con người và những vùng miền chưa biết, đặc biệt là chiêm ngưỡng phong cảnh tự nhiên hùng vĩ, những kì quan do thiên nhiên tạo nên. Vài năm sau khi trở về thăm nhà, trong chuyến đi du lịch xuyên Việt , tôi đã nói với một bà người Anh đồng hành trên chuyến đi từ Đà Nẵng vào Huế: "cho đến giờ tao đi tham quan các thành phố ở Canada và Mỹ còn nhiều hơn cả các nơi trên đất nước tao".
So với những người khác, tôi đi du lịch không nhiều, không đáng để kể ra thành tích xem đi được bao nhiêu nước, bao nhiêu thành phố, hay khoe đi được lên những vùng đất quá khó khăn để chinh phục như Tây tạng, Bắc cực để trải nghiệm hay thử thách bản thân.  Nhưng tôi cũng đã có may mắn là những trải nghiệm của nhiều kiểu du lịch khác nhau, khi một mình rong ruổi cả tháng ở châu ÂU, hay đi cả đoàn bạn bè vài chục người đi road trip các thành phố ở Mỹ, hay có khi lại chỉ đi vài người trong những chuyến đi ở Rocky mountain hay Myanmar, Trung Quốc. Cách đi du lịch khám phá của mỗi người cũng khác nhau, và  khi quan sát tự nhiên tôi suy nghĩ về cách đi du lịch của chính mình và những người xung quanh mình.

Grand Canal, Venice

Du lịch kiểu gì?
Du lịch người ta chia ra rất nhiều loại, có những loại chuyên biệt, như du lịch sinh thái, văn hoá, nhưng thực ra chung nhất phổ biến thì có du lịch nghỉ dưỡng và du lịch khám phá có lẽ thịnh hành hơn cả, mà trên thế giới có lẽ ngừoi ta phân biệt bằng "tourist" hay "traveler" mà tôi cũng không biết tiếng Việt nên chuyển ngữ thế nào cho hợp lí, thôi thì đúng như những người quen phê phán chỉ trích tôi mỗi khi đi du lịch khám phá là “ham chơi”, thì tôi tạm gọi du lịch khám phá là “đi chơi”, khác với “đi nghỉ”, vì “đi chơi” không thể được nghỉ mà nhiều khi còn mệt và vất vả gấp mấy ngồi nhà hay đi làm, khác hẳn với “đi nghỉ”.
Kiểu đi tourist là du lịch nghỉ dưỡng, ra các khu khách sạn, resort ở biển, ở núi, nghỉ ngơi, ăn uống , vui chơi giải trí, tắm biển, ngắm núi ngừoi ta cũng có thể kết hợp tham quan danh lam thắng cảnh nhưng tựu trung vẫn là nghỉ ngơi, vốn chủ yếu ăn, ngủ, và relax. Vì thế, mục tiêu của những kiểu đi nghỉ này là các khách sạn, khu nghỉ dưỡng sang trọng, đẹp đẽ, những bãi biển trong khung cảnh  thơ mộng, những cảnh đẹp nổi tiếng. Nếu có đi tham quan, cũng thường là có tour guide, đỡ mất công tìm hiểu, chuẩn bị, thật là sung sướng an nhàn. Đi với gia đình, trẻ con, người lớn tuổi, có lẽ hợp với kiểu này. Và cũng có những người, du lịch, với họ, đồng nghĩa với du lịch nghỉ dưỡng.

Nhưng cũng có những người, lại không thích đi kiểu nghỉ dưỡng, với họ, nằm trong khách sạn , resort một ngày là chán, càng không muốn đến những danh lam thắng cảnh quá đông người. Họ muốn là những traveler,  đi du lịch mục đích để khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, con người hay trải nghiệm khám phá sâu cuộc sống thực ngoài đời thường ở những vùng họ đến. Người du lịch khám phá, đa số là họ thích tự đi, tự tìm hiểu những gì mình thích, bần cùng bất đắc dĩ mới phải theo tour, vì họ muốn tự do theo ý thích của mình chứ không gò theo lịch trình của hành trình tour vốn nhất nhất theo một công thức chung cho bao người.  du lịch kiểu này, những khách sạn , resort sang trọng lại không phải là những ưu tiên hàng đầu, miễn là những khách sạn/nhà nghỉ thuận tiện đi lại, sạch sẽ và an toàn với giá cả hợp lý là đủ. Đôi khi họ chấp nhận cả những motel giá rất rẻ cho những ngừoi du lịch ba lô (backpaker), và coi đó cũng là những trải nghiệm thú vị.

Một số traveler coi du lịch khám phá "đẳng cấp" hơn du lịch nghỉ dưỡng của dân tourist.  Thực ra việc là tourist hay traveler là tuỳ thuộc hoàn cảnh của ngừoi đi, của nơi đến và cả sở thích và khả năng của từng người. Rõ ràng việc đi du lịch khám phá, đòi hỏi một chút gian khổ, mạo hiểm và cả kĩ năng , sức khoẻ hơn nhiều so với du lịch nghỉ dưỡng. Nhưng bù lại, cảm giác trải nghiệm đối với những người ưa mạo hiểm sẽ thú vị hơn nhiều so với những sự sung sướng an nhàn hưởng thụ đầy đủ tiện nghi nhưng nhàm chán của những chuyến nghỉ dưỡng.
At Pisa tower

Phượt/backpacker
Thực ra tôi cũng không rõ từ "phượt" xuất phát từ đâu và định nghĩa chính xác thế nào là phượt. Tôi chỉ hiểu nôm na thông thường đối với traveler, có một số lượng không nhỏ các backpacker ( khách du lịch ba lô), họ thường là những người đi du lịch khám phá theo tiêu chí tiết kiệm, tránh xa các tiện nghi, để vừa trải nghiệm hòa mình vào cuộc sống của dân địa phương, vừa tiết kiệm đi được càng nhiều càng tốt. Nhưng hình như “phượt”, là hơn thế, không phải vì lý do chính tiết kiệm,  mà họ cố tình theo đặt bản thân trong những điều kiện thử thách khắc nghiệt, gian khổ mạo hiểm, đôi khi nguy hiểm đòi hỏi sức chịu đựng và tinh thần chịu đựng gian khổ rất cao để chứng tỏ mình. Cảm giác mạo hiểm tự vượt lên bản thân mình khi đi du lịch là niềm đam mê, trải nghiệm bản năng sống trong những thử thách là đặc trưng của “phượt”. Một mặt, tôi khâm phục, nhưng đôi khi, cảm giác ranh giới của việc mạo hiểm không đáng có với trải nghiệm để thử thách là lằn ranh giới không rõ ràng, để mạo hiểm, đùa cợt hay tệ hơn là phung phí tính mạng mình là việc thật khó mà chấp nhận. Giữa việc dũng cảm, mảo hiểm nhưng có trang bị đầy đủ kỹ năng sống và việc liều mạng không đáng có để thể hiện cái tôi là quá mỏng manh, có lẽ tôi chưa đủ thấy mình được xếp vào hạng phượt khi đi du lịch khám phá.

Đi du lịch khám phá đến một vùng đất nào đó, có lẽ có mục đích chính: ngắm phong cảnh, trải nghiệm cuộc sống của con người, văn hóa đặc trưng của vùng đó, và đặc biệt không thể bỏ quên thưởng thức đồ ăn, đặc sản văn hóa của vùng đất nơi mình đã đi qua. Vì thế, có thể người ta không cần phải ở trong những khách sạn sang trọng, tiện nghi, đắt tiền khi đi du lịch khám phá, mà chỉ cần những nơi ở an toàn, sạch sẽ, nhưng dứt khoát không thể vì tiết kiệm mà bỏ qua những trải nghiệm của những trải nghiệm văn hóa, đặc biệt là ẩm thực đặc biệt ở những nơi mình đã đặt chân đến. Nếu có người sẵn sàng ngủ được trên gường xếp ở nhà homestay với ông bà già người Ý ở Venice chỉ có mất 12 €, nhưng cũng không ngại việc bỏ ra gần 30€ cho cốc café ở Grandcaffe Quadri chỉ để ngắm khung cảnh hoàng hôn của quảng trường St. marco ở Venice, thì cũng không khó hiểu nếu ai đó đã đặt chân đến Dubai, có lẽ ai cũng sẽ cố đặt để được ngồi ăn trên nhà hàng trên Burj Khalifa để được thưởng thức trà chiều nhìn hoàng hôn trên vịnh Dubai với giá ít nhất 400-500$. Trải nghiệm những gì tinh túy nhất của vùng đất mình đến, luôn là mơ ước, mục đích của những người đi du lịch khám phá.

Bastei, Dresden

Been there/done that hay đi chậm rãi, thong thả:
Ngay đi du lịch khám phá, đến một nơi nào đó, cũng có nhiều kiểu đi, có những người thích đến chớp nhoáng, lướt qua những điểm nổi tiếng, ào một cái rồi đi tiếp, đi để biết được càng nhiều càng tốt trong thời gian ngắn nhất có thể, người dễ tính thì bảo là cưỡi ô tô xem hoa, người đùa thì bảo là đi để lấy thành tích, kể được nhiều nơi mình đến, cũng là một kiểu đi khám phá của rất nhiều người. Những lần đầu tiên khi đi du lịch của tôi cũng là những cuộc chạy sô been there done that như thế, chỉ vì muốn đến thật nhiều, nhìn ngắm được thật nhiều, cũng là một cái thú vui. đi nhiều có lẽ thích hợp với phong cách ưa khảm phá của tuổi trẻ, háo hức, sôi động. Kiểu đi như thế chủ yếu là đển nhìn ngắm phong cảnh, cảnh vật hơn là tìm hiểu và thưởng thức cuộc sống.    


Berlin

Còn một lí do nữa để đi lướt qua những điểm đã đi để tìm những nơi mình thật sự thích thú, là họ tự nhủ sẽ có ngày quay lại, và sẽ có thời gian xem thật kỹ. Nhưng lại có những người đến nơi nào là họ cứ nhẩn nha xung quanh nơi dó, đi thật kỹ, không cần đi quá nhiều, với họ, trải nghiệm, thưởng thức từng khoảnh khắc quan trọng hơn là số lượng. Nhưng tuyệt vời nhất có lẽ là khi đến khám phá ở những vùng, mà có bạn bè, thổ dân làm tourguide. Đôi khi không phải là những địa điểm nổi tiếng được ghi trong lonely planet, tripadvisor mà các tourguide dẫn bạn đến chỉ để chụp ảnh toạch toạch rồi đi, hay những quán ăn đắt tiền được xếp hạng sao của Michelin khiến bạn thèm thuồng, nhưng là những gì đặc trưng của những nơi mà nếu không phải người dân ở đó, chịu tìm hiểu thì đôi khi những kể cả những tour guide có kinh nghiệm cũng không thể biết được. Đó đôi khi là những quán nhỏ, bình dân, trong không khí ấm cúng của những con phố nhỏ chỉ những thổ dân mới biết, tạo cho bản những cảm xúc riêng biệt khi đi du lịch khám phá. 

Cửu Trại Câu,

Đi với ai? một mình/đi group/ đi nhiều người
Bạn đã từng bao giờ đi du lịch một mình? Bạn thích đi một mình, hay đi group nhiều người? Thực ra tôi cũng không biết là tại vì có một mình nên người ta thích đi du lịch khám phá để đỡ cô đơn, hay là tại vì người có một mình thì việc đi du lịch dễ dàng hơn vì người ta có thời gian cho riêng mình, và cũng dễ quyết định hơn. Rất nhiều chuyến tôi đi du lịch một mình, đi một mình tự do, chủ động thời gian, đi nhanh, theo sở thích vui đâu chầu đấy. Dân du lịch đều là những người phóng khoáng và cởi mở, dễ kết bạn và nói chuyện,  đi đến đâu có rất nhanh chóng kết bạn cùng những người cũng đi một mình như họ, hết chuyến thì lại chia tay đến chỗ mới nên không sợ buồn hay cô đơn như mọi người nghĩ. Và không hiểu sao, người ta đi một mình thì rất dễ kết bạn. Tôi không cảm thấy có vấn đề gì trong việc đi du lịch một mình trong chuyến đi cả tháng ở châu Âu, cho đên khi ngồi ở Venice và sau này là một số nơi khác, và thấy tiếc rằng giá có một người thân của mình, dù là bạn đời, hay người mình yêu thương để cũng ta cảm nhận được những gì mà khi ta hưởng thụ một mình, ta sẽ cảm thấy ích kỉ và feel guilty. Tuy nhiên, ở Việt nam thì khác, đi du lịch một mình, người ta sẽ nhìn bạn bằng con mắt nếu không thương hại vì FA thì cũng là con người kì cục J). 


Venice St Marco

Trái lại, nếu có thể có những người bạn đồng hành trong những chuyến đi thì còn gì bằng, trên nguyên tắc càng đông càng vui. Nhưng để kiếm được những người bạn đồng hành cùng sở thích, tổ chức được một group đi chơi cũng không dễ. Chỉ cần nhóm hơn mười người trở lên là đã nẩy sinh rất nhiều vần đề, chỉ riêng việc đến địa điểm đi chơi nào đó,chờ nhau tốn thời gian, mỗi người một ý khi có vấn đề cần giải quyết, rất dễ bể sô. Những chuyến đi đông người tuy vui nhưng cuối cùng thì đi lại rất mất thời gian và đi tham quan được rất ít. Có lẽ một nguyên tắc khi đi du lịch dạng khám phá the group, không theo tour, là có những người bạn tương đồng cả về sở thích, cũng như sức khỏe và kinh nghiệm thì chuyến đi sẽ thành công hơn nhiều, và cũng không nên đi quá đông, có lẽ 4-8 người là vừa cho một group đi chơi tự tổ chức. Chỉ trong những chuyến đi du lịch, đôi khi bạn khám phá ra được nhiều điều rất khác ở người bạn hàng ngày của mình, mà đôi khi trong cuộc sống thường nhật ta không để ý hoặc khó nhận ra, cả điều tốt lẫn điều xấu. Có lẽ vì thế nên có ở đâu đó nói rằng “You should never marry a girl (man) until you’ve traveled with her (him)”.
Tất nhiên không phải là travel theo kiểu các đôi tình nhân đến các nơi lãng mạn chụp ảnh show FB, nằm resort thơ mộng để ngắm hoàng hôn và làm tình, mà thực sự là đi du lịch khám phá để hiểu cách ứng xử của nhau mà khi yêu , bị mờ mắt người ta ít để ý.

Prague

Đi đâu?
Rất nhiều người, khi nhìn bạn bè đi chơi đâu đó và tung ảnh lên facebook, cả một đám bạn bè ở nhà lại cứ ngồi xuýt xoa, xin thông tin và nhấp nhổm muốn đi. Vậy nếu máu thì “nhấc ba lô lên và đi”, có điều những người đó lại chỉ tiếc thế thôi khi mà rủ đi lại cứ tìm đủ mọi lý do để ở nhà, bởi đi du lịch khám phá không dành cho những người ưa “hưởng thụ” hay relax, bởi đôi khi để đến được nhưng nơi mình muốn chiêm ngưỡng, cần có cả thời gian, sức khoẻ, gian khổ và đôi khi mạo hiểm. Khi thấy bạn bè đi được khắp nơi, dù rất thèm muốn, tôi nghĩ rằng thế giới này quá nhiều nơi đáng để đi, đáng được chiêm ngưỡng, trong đời con người làm sao ta có thể đi hết được. Vậy thì hãy tận dụng thời gian khi ta còn sức khỏe, tiền bạc để có thể đi khám phá những nơi mình thật thích, phù hợp điều kiện thời gian của mình, đi được đến đâu là tùy duyên. Có cơ hội đến được khám phá ở đâu, là hạnh phúc ở đó. Đã 3-4 lần đi công tác Hàn Quốc, lần nào tôi cũng hăm hở với ý định đi khu Phi quân sự Bàn Môn điếm (DMZ), nhưng vì lí do này hay lí do khác, lần nào cũng trượt, và tôi cũng đành an ủi, thôi cũng không tiếc, khi không được đi chỗ này, thì ta sẽ được tham quan ở chỗ khác, có khi hay hơn. Mỗi người đều tự lập ra một wish list/most wanted của riêng mình, vì must see list của người này đâu có giống người khác, khi sở thích là khác nhau, tôi đã nhìn rất nhiều dạnh sách “ Places must see before you die” nhưng đôi khi hơn nửa số đó không gợi cảm hứng cho tôi, vậy thì trước hết hãy tự hỏi mình, khi ta đi khám phá, sở thích của ta là gì, hay nói chính xác hơn là trả lời câu hỏi:           

Trương Gia Giới

Đi xem gì, chơi gì?
Mỗi nơi có đặc sắc riêng, nếu bạn đi châu Âu, đến các thành phố, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc tuyệt đẹp, những toà lâu đài lộng lẫy, những kiệt tác do con người taọ nên.  Những bảo tàng, phòng tranh, tượng đài ở Rome, Paris, London luôn quyến rũ rất nhiều người. Nhưng có nhũng người, như tôi, lại chỉ thích du lịch khám phá ở những nơi có thiên nhiên hoang dã, nơi tôi muôn nín thở khi nhìn những kiệt tác của thiên nhiên hơn là do con người tạo ra. Nếu có người thích đi ngắm những bãi biển tuyệt đẹp ở Hawaii, Maldives thì có những người thích lên núi , để ngắm những đỉnh núi tuyết Mont blanc hay Rocky mountain. Nhưng cảnh dù đẹp đến đâu, có làm ta lặng người khi ngắm, vẫn chỉ là cảnh “vô tri”.

Rocky mountain, Canada
Gatineau, Hull, Ottawa
Ta đến, ngắm, chụp ảnh rồi đi. Mỗi vùng đất, để làm cho người ta đến thấy nó không chỉ đơn giản là cảnh “chết”, nó phải gắn với những con người, với những sự kiện, để làm nó sống động và có ỹ nghĩa lên, chứ không nó là chỉ một nơi tầm thường. Khi ta đến một căn nhà rất bình thường, nhưng nơi đây là nơi vĩ nhân X đã từng ngồi ị bô, hay chỗ kia là ngôi nhà nơi diễn viên Y hôn diễn viên Z  trong siêu phẩm của Holywood, quán thịt hun khói vớ vẩn đã làm bao siêu sao điện ảnh đứng xếp hàng cả tiếng dưới trời tuyết để vào ăn v.v, những nơi ấy đã từng gắn với lịch sử, với con người nổi tiếng, với sự kiện khiến công cuộc khám phá những nơi chốn ta đến thi vị hơn nhiều.

Space needle, Seatle

Khi ta đứng ở Roman Forum ta có thể hồi tưởng lại nơi đây hàng nghìn năm trước đã từng có một nền văn minh La Mã huy hoàng, hay những người như chúng ta luôn muốn đến kim tự tháp Ai cập, để thấy được cái vĩ đại của những con người đã tạo nên những kì quan từ xa xưa.

Colosium, Rome

Được đi du lịch khám phá những di tích lịch sử , những địa điểm nổi tiếng gắn với phim ảnh, qua văn học luôn hấp dẫn hơn nhiều là việc chỉ đến những cảnh đẹp, cho dù là do con người hay thiên nhiên tạo nên. Ở những nơi đó, được trải nghiệm những gì thuộc về lịch sử, quá khứ là những kỉ niệm khó quên.

Nhân nói về du lịch khám phá tới những di tích lịch sử , tôi chắc sẽ có một số ít người giống tôi, có một mơ ước muốn khám phá những địa điểm đặc biệt, ở nơi đó, cho dù là những chuyến đi đầy rẫy nguy hiểm, muôn vàn khó khăn, đôi khi là nguy hiểm đến cả tính mạng, nhưng chúng ta vẫn muốn đến. Tôi muốn nói những hành trình khám phá vùng đất thiêng,  ở nơi đó, chúng ta không chỉ đơn giản là đi khám phá một vùng đất mới, trải nghiệm về cuộc sống và con người như bao chuyến đi chơi khác, mà chúng ta sẽ có những trải nghiệm về bản thân, về vũ trụ, về nhân sinh quan mà đôi khi có thể thay đổi cả quan niệm hay cách nhìn về về cuộc sống hiện tại. Không ngẫu nhiên, hàng năm có hàng mấy triệu người, tốn tiền bạc, công sức và tính mạng, để đến được thánh địa la Mecca, nơi người Hồi giáo luôn mơ ước đến một lần trong đời, hay đến khám phá Jerusalem trong khu thành cổ, là thánh địa của 3 tôn giáo, với những trang sử đầy bi thương và vẫn dai dẳng đến bây giờ. Còn vùng núi thiêng Tây Tạng, là nơi hành hương của hàng triệu tín đồ Phật giáo, và cả những người vô thần, không quản nguy hiểm, vất vả, vượt qua sức chịu đựng giới hạn thông thường để được một lần đến chiêm bái Lasha, đến Potalah, đến những tu viện PHật giáo Tây tạng với những vị Lạt ma huyền thoại. Đến những nơi đó, dù không có niềm tin tôn giáo, ta cũng cảm nhận được cái sự thiêng liêng của những vùng đất thánh, ở nơi đó, cho ta cảm nhận một thế giới vô thực vượt lên những cái thông thường, dù không có đức tin cũng cảm thấy một sự thiêng liêng huyền bí, còn với những con người có đức tin, càng làm cho niềm tin của họ mãnh liệt hơn. Hay như với những người đã từng trờ về từ đỉnh thiêng Kailash, họ như được tái sinh, được khám phá lại chính bản thân mình.
Rất nhiều người gọi những người thích đi du lịch khám phá là những kẻ “ham chơi”. Rất nhiều người khi đã bị xô đẩy vào du lịch khám phá đã “nghiện”, ở nhà vài tháng đã “cuồng cẳng” lại muốn đi tiếp. Đơn giản là thế giới này quá nhiều nơi thú vị để người ta muốn được nhìn ngắm khi tồn tại trên cõi đời. Ăn mãi sơn hào hải vị, người ta cũng chán, và lại cũng không thể ăn được quá nhiều, mặc đồ hiệu dù đẹp đến đâu mãi rồi cũng chán, nhưng đi du lịch, khám phá thế giới, khi ta còn đi được, thì chả bao giờ chán, miễn là ta còn sức khỏe và tiền bạc, cộng với một chút đam mê.       




Monday, June 29, 2015

Khen ngược


Trời nóng quá, không thể ra ngoài nên rỗi việc, nên viết lại cái sự lâu nay bức xúc từ lâu.

Đã lâu, không hiểu các bạn có bị cảm giác giống tôi không, nhưng tôi rất dị ứng với việc được khen, nhưng thực chất là luôn có cảm giác ngược lại, một bạn gái post một ảnh trên FB, bạn bè làng xóm anh chị em họ hàng nhao vào khen: “ôi chị vẫn trẻ như  gái 18”, “chị có bí quyết gì mà trẻ thế”, “ông anh trông vẫn phong độ nhỉ”, đại loại thế. Tất nhiên đấy là lời khen có thể thật lòng hay xã giao, và khiến đại đa số người được khen phổng mũi, sướng, bản thân tôi được khen cũng thế, thế nên phong trào post ảnh lên FB, instangram nó mới nhiều thế, hay là chụp yếm với sen, với hoa cải mới đắt hàng đến thế, không chỉ là mấy em gái hotgirl trẻ đẹp, mà mấy chị người mẫu của những hơn 30 năm về trước, rồi thì cả những văn sỹ đã qua cả rổ giai dùng tã cả người ra rồi, đã U50 cũng cố khoe chân dài, chụp ảnh nude để cho thiên hạ nhảy vào khen mình “vẫn ngon lắm”.

Ấy thế nhưng nghĩ lại, ờ, sao hồi trẻ như gái 18, nó không khen mình như thế, vì hiển nhiện chuyện đó là bình thường, em 18 em trẻ em đẹp, giai 20 em phong độ là hiển nhiên, chả cần cái khen nó sờ sờ ra đấy. còn khi người ta khen như thế, có thể thật hay không thật lòng, chả quan trọng, được khen là sướng đã.  Nhưng nếu ngẫm kỹ ra, à, hóa ra đáng ra người ta nghĩ mình già cụ nó rồi, xập xệ rồi, nhưng trông bên ngoài thì vẫn trẻ, vẫn khỏe, còn bố  ai biết bên trong thế nào, hóa ra giật mình ờ hóa ra mình cũng có (vài) tí tuổi, mình già thật, nhão thật, hóa ra lời khen lại có tác dụng ngược lại là mình phải suy nghĩ ..về tuổi già, về cái đẹp, về sự khỏe hay phong độ của mình. Nói thẳng cho nó vuông là ngon thế chó nào bằng các em Agelina XX, các em Ngọc Trinh , rồi Lan baby, Hằng lilies nọ kia mới có 17-18, “trẻ đã là đẹp rồi”.

Lấy cái đẹp, cái phong độ ấy ra chỉ là làm ví dụ cho cái sự khen ngược cho nó câu khách thôi, nhưng thực chất, trong xã hội, rất nhiều cái mà người ta tưởng làm tốt, giúp đỡ mà nếu làm quá, hóa ra lại động chạm đến lòng tự ái của người được tung hô, khen nhau quá bằng hại nhau. Con nhà nghèo học giỏi, người tàn tật, khiếm thị vượt qua được để thành đạt trong một lĩnh vực nào đó, thông thường sẽ tung hộ có tác dụng làm họ tự tin và làm gương cho người khác có số phận như họ đến phấn đấu. Nhưng xoáy mãi vào cái đó, thì sẽ lại luôn cho họ cảm giác mặc cảm tự tin, tại sao cứ xoáy vào sư nghèo, sự khiếm thính, kiếm thị của họ, cứ coi họ như người bình thường như chúng ra đi có được không, để họ đỡ mặc cảm. Không người khiếm thị, khiếm thính, người nghèo nào tự hào vì họ hoàn cảnh họ mà đạt được như vậy cả họ chỉ mong muốn làm được như người thường, dù để làm được điều đó, họ đã phải cố gắng rất lớn, và thực sự chúng ta khâm phục họ. Nhưng hãy giấu điều đó trong lòng, hay thể hiện khuyến khích một cách khéo léo để tránh làm họ tổn thương. Rất nhiều người có lòng tốt, tỏ ra thương hại, muốn giúp đỡ người thiệt thòi nhưng không biết cách, đôi khi có những người quá nhạy cảm, chạm đến lòng tự ái cua họ, đôi khi họ lại suy nghĩ và phản ứng. Như thế thực ra chúng ta đã phân biệt và kì thị, dù là thì thị theo chiều hướng tốt hay xấu. Tôi đi uống café với ông bạn già ở Hội An, vào quán của người câm phục vụ, tên quán là “Hòa nhập:, đúng là những người đó họ chỉ muốn được hoà nhập và mọi người coi họ như người bình thường không bị phân biệt, thế là tốt lắm rồi, có thể trong thâm tâm bạn có lòng hảo tâm, bạn thương hại và thực tâm giúp đỡ họ, nhưng phải khéo, để tránh là họ mặc cảm.

May mắn lớn nhất của chúng ta là chúng ra được sinh là là người bình thường, không quá khác biệt. Còn nếu Thượng đế bắt một số người khác biệt, hoặc thiệt thòi hơn chúng ta, thì việc khen hay có ý nghĩa nhất là chúng ta nên coi trọng và đối xử với họ như họ là người bình thường, không miệt thị, khinh miệt mà cũng không tung hô, khen thái quá, vì điều đó chả khác gì có tác dụng ngược lại. Không ai tự hào vì tôi thiệt thòi, tôi khác biệt mà tôi vẫn làm được như mọi người, mà họ chỉ muốn sống yên ổn, như  người hết sức bình thường trong con mắt của mọi người xung quanh họ.
Cái đó khó, vì trong tâm thức của chúng ta đã phân biệt rồi, nhưng nếu không thể chuyển được quan niệm, thì xin hãy cố gắng thể hiện bằng hành động bên ngoài, và tốt nhất là đừng làm khen quá lố, để có tác dụng ngược.

Hà nội, 29.6.2015.

Tuesday, January 6, 2015

Đậu phụ

Người ta nói, ở đâu có người Tầu, ở đó có đậu phụ. Không biết được nguồn gốc đậu phụ có từ bao giờ, và bao giờ thì nó được du nhập vào xứ ta, chỉ biết là món đậu phụ là món ăn dân dã phổ biến không chỉ ở Trung quốc, mà còn là món được dùng rộng rãi ở Việt nam hay Nhật bản từ lâu lắm rồi. 
Tôi không phải đồ đệ của các món chay, rất thích ăn thịt, nhưng lại thích ăn các món từ đậu phụ. Tôi sẽ chỉ nói về các món đậu phụ thông thường của người Việt, dù rằng cũng rất thích các món đậu phụ của người Tàu hay Nhật. 
Nếu có món không phải thịt, không phải rau, nhưng lại có mặt ở khắp nơi,  rồi được dùng làm món chính cả nơi chốn tu hành, trong suốt mấy nghìn năm, thì đó chỉ là đậu phụ.

Khi tôi còn bé tí, đậu phụ ở làng quê tôi là những miếng đậu phụ vuông, pha chút nghệ, được nướng qua, bán ở các mẹt chợ. Đậu tương được xay, nhưng hầu như không lọc vỏ,  hoặc lọc rất ít để lấy số lượng, vì thế những bánh đậu dân dã rẻ tiền tuy rắn chắc nhưng nhiều bã, không có vị ngậy của đậu nành. Mỗi lần về quê, nhưng bìa đậu chấm muối ăn trong những bữa cơm đạm bạc không gây ấn tượng gì. Nhưng thế hệ người già như ông bà hay các bác tôi, vốn đã quen với những bìa đậu phụ rẻ tiền này, lại không thể quen được những bìa đậu mềm lọc rất kỹ chỉ có óc đậu, bùi và béo sau này mỗi khi ra nhà tôi ở thành phố. 

Khi lớn lên một chút, đậu phụ thời bao cấp, không đóng thành bánh mỏng, mà là nhưng khối to tướng có dễ đến hàng  cân,  đen thui, chua chua, lạnh ngắt. Thời đói kém đó, khi mỗi tháng chỉ được mua phân phối vài lạng thịt cho cả nhà thì được ăn đậu phụ mậu dịch phân phối chấm xì dầu đã là may mắn lắm với con em cán bộ.

Sau này, tôi mới được biết đến đậu phụ Mơ, thứ đậu phụ nổi tiếng của Hà nội, với những bánh đậu mỏng, mềm, bùi và béo ngậy và trở nên nghiện đến mức thời gian sống ở nước ngoài tôi vẫn cố duy trì ăn đậu ít nhất tuần một lần, dù đậu ở đó không ngon như đậu Mơ. Những bìa đậu phụ Mơ mới mua về vẫn còn ấm và còn thơm mùi đậu nành đặc trưng, ăn sống thật mát trong những ngày hè oi bức. Còn mùa đông, những miếng đậu rán nóng vàng rộm có mặt trong hầu hết các bữa ăn gia đình. Nhân nói về mùa hè, ngoài đậu phụ còn có hai món liên quan rất hay được dùng: óc đậu và tào phớ. Khi nhà tôi ở gần nhà làm đậu phụ, thi thoảng hôm nào trời nóng quá, chạy sang mua nước đậu tương xay chưa được vắt và ép thành bánh đậu, về nấu canh óc đậu, ăn  mềm và thật mát. Còn món tàu phớ huyền thoại, những lát đậu phụ non mịn màng chan nước đường hoa bưởi, được các ông bán hàng rong đi rao khắp các hang cùng ngõ hẻm, đã trở thành nổi tiếng ở khắp nơi.
Không biết có bao nhiêu món ăn đã được chế biến từ các sản phẩm bắt nguồn từ đậu phụ, chắc nhiều lắm, nhưng những món chính từ đậu phụ thì đã trở thành những món thường xuyên có mặt trên các mâm cơm gia đình hàng ngày.
Mùa hè, đơn giản và bình dị nhất vẫn là món đậu phụ luộc, chấm mắm tôm pha, hay đơn giản hơn, đối với những người không chịu được mùi mắm tôm, thì chỉ cần nước mắm vắt chanh hay chút xì dầu. Nhưng tuyệt vời hơn nếu có thể được ăn ngay những bìa đậu nóng mới ra lò, thì mới cảm nhận hết vị thơm của đậu nành, vị bùi, béo của miếng đậu tan mát trong miệng. 
Cũng vẫn những miếng đậu đó, mùa đông, cắt ra thả vào chảo dầu móng già, chấm ngay  miếng đậu vàng rộm nóng hổi vẫn còn xèo xèo dầu mỡ vào bát mắm tôm sủi bọt, ăn với cọng rau kinh giới, thì không còn gì để mà nói. Nhưng thế là ta lại xâm phạm món bún đậu phụ mắm tôm đình đám kinh điển của xứ Hà thành rồi. Ngay cả cách rán đậu cũng có nhiều kiểu: thả miếng đậu ngập trong chảo rán ngập mỡ để có miếng đậu phồng rộp, nhưng có người lại không thích đậu phồng thì vẫn rán ít mỡ thông thường,hay như ở quán bia,đậu phụ rán non, gọi là "lướt ván", để làm món nhậu. Thôi thì quay lại món ăn cơm bình dân, những miếng đậu rán nóng già ấy , được nhúng ngay vào bát nước mắm pha chút dấm đường, thái chút hành hoa , sẽ có những miếng đậu phụ tẩm hành thơm nức, ăn với cơm nóng thì không gì đưa cơm bằng.
Vẫn là những món ăn bình dân cho mùa đông, không thể  bỏ qua đậu phụ rán sốt cà chua. Những miếng đậu rán vàng, sốt quyện trong nước sốt cà, rắc tí hành hoa, rau mùi, là món ăn dễ ăn, dễ làm, nên cũng phổ biến không kém gì mấy món đậu phụ ở trên trong các bữa cơm gia đình Việt.
Với người thích ăn thịt như tôi, thì món tủ lại là món đậu nhồi thịt, thịt băm trộn hành hoa, ít tiêu, bóp với chút đậu nhuyễn nhồi vào giữa miếng đậu và rán. Một số người lại mang đậu phụ nhồi thịt rán ra sốt cà, hay hấp xì dầu, tôi thì chỉ thích ăn rán nóng vì mùi đậu tương, quyện với thịt băm rán, với hành, với tiêu tạo một mùi thơm thật sự khác biệt cực quyến rũ khi ăn chấm với nước mắm. Nhưng thế thì đâu còn chất thanh đạm, chay tịnh của đậu phụ, A Di Đà Phật, nên có lẽ bù lại, những hôm nào muốn thật thanh đạm, mùa đông, có lẽ nên làm một bát canh nóng, đậu phụ với cà chua, để vẫn chay tịnh, mà vẫn nóng sốt, thay rau, đơn giản mà lại nhanh.
Người ta bảo ăn nhiều đậu phụ cũng không tốt. Nhưng mỗi khi thấy nặng nề vì những món đồ ăn nhanh, vì những cuộc nhậu nhẹt chè chén liên miên rượu thịt, thì những bữa ăn với các món đậu phụ bình dị, đơn giản, thanh đạm, với người thích ăn đậu phụ như tôi vẫn thấy rất ngon miệng, và có lẽ dù không phải là Phật tử ăn chay, vẫn sẽ cảm thấy người nhẹ nhõm, thanh thản hơn.
Ha noi, Jan 06, 2015
Thích Đậu Phụ