Thursday, March 30, 2017

Early first snow

Tôi trở về Hà Nội mùa thu 
Đi trong đêm thoảng mùi hương hoa sữa 
Quên bẵng thời gian, chỉ còn nỗi nhớ 
Mùa thu vàng ở một nơi xa 
Vội vàng hỏi: mùa lá phong đã qua?
Em bảo tuyết đầu mùa rơi sớm, 
Trời trở lạnh, mùa đông sắp đến 
Tôi chợt giật mình 
Lại mùa thu nữa đi qua…

HN 13/10/09

Vô thường

Ngày hôm nay là sinh nhật, thực ra bây giờ thì cũng không để ý lắm nữa dù rất cảm động khi người nhà bạn bè vẫn nhớ đến mình, cũng cảm ơn anh Mark nữa đã cho kết nối với bạn bè khắp nơi để gửi lời chúc thọ về. Nhưng tôi nhớ ngày này hơn với việc 7 năm về trước, là ngày ngồi trên máy bay về Vietnam. Khi bước chân về cũng không bao giờ nghĩ mình lại ở Vietnam lâu đến thế, vì plan bao giờ cũng là max 5 năm cho một thay đổi nếu thấy không ổn. Cũng không bao giờ nghĩ chuyến đi về lại là bươc thay đổi rất nhiều thứ trong cuộc đời. Và sau 7 năm, cũng ngày này, giờ đây lại đang chuẩn bị ra đi làm lại từ đầu, xã hội đã rất khác cả ở Canada và Vietnam so với hồi mình mới về, mình đã khác, già đi, nhưng quan trọng hơn là suy nghĩ , cách nhìn đời đã khác nhiều. Bởi vì 7 năm đó là 7 năm thăng trầm nhất của cuộc đời cho đến giờ, cả công việc lẫn gia đình, cả sư may mắn lẫn thất bại, sự đau khổ hay sai lầm, dường như tất cả nó pack dồn nén lại để xẩy ra chỉ trong thời gian ngắn, mà những sự kiện ấy với người khác có khi phải xảy ra trong thời gian gấp nhiều lần con số 5-7 năm ấy, hay có khi cả cuộc đời. Để có người bạn gái thân hiểu mình như chính mình, cũng không tin việc đó có thể xảy ra. Có rất nhiều người hỏi, có tiếc thời gian đó không khi sẽ phải làm lại từ đầu ở tuổi này, đơn giản là tiếc cũng không để làm gì. Rất nhiều lần ta phải tự hỏi, tại sao cuộc sống luôn đi ngược lại cái mình muốn. khi đề cao và trân trọng nhất việc gia đình, thì khi có rồi lại không được trọn vẹn. khi ta là người rất cầu toàn, thì việc xảy ra lại là ngược lại. Cái được, thì nó lại không như theo cách ta muốn. Theo Đức Phật, những gì đã xảy ra đều có nguyên do, vốn dĩ nó phải thế, hay ta không thể trốn tránh được việc vốn dĩ đã không toàn vẹn để đối mặt với nó, chấp nhận nó là không như ý ta muốn. Cái cách xảy ra với ta cũng một phần do ta, một karma mà ta phải gánh, từ kiếp này, hay kiếp trước, cũng vậy thôi. Vậy thì, ta đã không thể thay đổi được những gì đã xảy ra, thì con người ta phải thay đổi. Với số đông bây giờ, người ta ra đi có vài lí do chính, vì muốn con cái học hành tốt hơn, hi sinh đời bố cho con, hay vì họ bất mãn với môi trường sống, với xã hội, muốn tìm một chỗ trú chân an toàn, hay để tìm một cách để đổi đời… Tiếc là ta chả thấy có lí do nào là chính yếu trong đó để phải rời xa gia đình và hà nội yêu quý. Đúng là ta thấy không hợp với một số công việc ở Việt nam, nhưng công việc không phải là li do chính, bởi vì ở đâu thì công việc cũng có lúc lên lúc xuống, lúc vui buồn hay áp lưc như nhau, chỉ khác kiểu thôi. Cũng có thể nhiều người nghĩ là một cuộc chạy trốn, với những gì đã xảy ra. Nhưng đơn giản là người ta cần phải thay đổi chính con người mình, cách chấp nhận hạnh phúc và những gì ta có, bằng cách thay đổi môi trường khiến người ta sẽ quyết tâm hay phải thay đổi để sống và tiếp nhận hạnh phúc theo một cách khác với những gì ta đã quan niệm. Nếu có thể coi đó là cuộc đổi đời hay sống một cuộc đời khác với những gì đã qua, thì cũng được. Cuộc đời vô thường, khi bế tắc là khi cần có sự thay đổi. Có một điều, sau tất cả những gì đã xảy ra,ta vẫn cảm ơn cuộc đời cho ta may mắn hơn nhiều người là có quyền lựa chọn để thay đổi, được sống ở đâu theo cách của ta, và quan trọng hơn người thân yêu nhất luôn ở bên support vô điều kiện cho những gì ta cần. Hà nội 12.9.2016

Uống rượu


Thật nực cười khi một kẻ uống cực kém, nhấp môi một tí là mặt đỏ tưng bừng, không thích uống rượu như anh lại muốn viết về rượu, tất nhiên không phải là khoe hiểu biết về rượu, vì anh chả biết gì, nói như kẻ bợm rượu là biết đếch gì mà thưa thốt, đơn giản là suy nghĩ về uống rượu, như là một cách thưởng thức cuộc sống, như thưởng thức một món ăn, như trà, một thú vui trong cuộc sống.
Không phải ngẫu nhiên mà người ta coi rượu là một trong những phát minh quan trọng nhất của loài người từ khi người Trung hoa phát minh ra nó từ vài ngàn năm trước, còn ở xứ sở của rượu wishky người ta gọi rượu là nước của cuộc sống, hay vang được gọi là máu của Chúa. Hãy bỏ qua nhưng tác hại của việc lạm dụng rượu, vì ở đời cái gì quá cũng không tốt, kể cả tử tế quá cũng không hay, còn tất nhiên uống nhiều rượu quá thì có hại, từ sức khỏe đến tinh thần, say quá không kiềm chế nổi mình thì làm nhiều thứ xằng bậy. Với con người, rượu có lẽ quan trọng nhất là đồng hành với cảm xúc hạnh phúc, đưa con người ta đến cảm giác say, một cảm giác lâng lâng mang lại từ chất men mang lại cảm giác vui sướng cho con người. Cũng có say trà, say café nhưng thực ra nói đến “say” là chỉ ám chỉ say rượu, vì chỉ có say rượu mới mang đến nhiều cảm xúc hỉ nộ ái ố và mang cả niễm vui sướng lẫn cái vật vã như say rượu.
Cũng là chất men có cồn, nhưng rượu khác bia, không phải là vì nồng độ cồn khác nhau hay men rượu khác men bia, mà bởi cách dùng, cũng như cách nó đồng hành với cảm xúc của người uống. Uống bia, người ta đa số chỉ uống khi vui, uống ào ào, uống chung với số đông bạn bè, cũng có những loại bia người ta uống chậm rãi, để thưởng thức, nhưng ít khi người ta uống bia một mình, khi buồn, vì uống thế chán ngắt, đắng và rất khó vào. Còn rượu thì có thể song hành với mọi cung bậc cảm xúc khác nhau của con người, uống để cân bằng cảm xúc: vui uống rượu, đau buồn uống, cô đơn uống, chả cảm xúc gì thỉ uống lai rai giết thời gian. Rượu là phương tiện giao lưu giữa con người, khi vui, người ta uống rượu với bạn bè để chung vui, khi buồn uống để chia sẻ, người ta thường nói uống rượu với người tri kỉ, uống bia với bạn bè chứ ít khi ai nói uống bia với tri kỉ, mà nhưng rượu khi cô đơn khi buồn người ta uống rượu một mình để giải sầu. Anh thì chỉ uống rượu khi vui, để giao lưu bạn bè, ít khi dùng được rượu để giải khuây hay quên đi sự đời, nhưng rất nhiều người khác thì cứ mượn rượu để quên đi nỗi buồn, cho dù chỉ là quên đời trong chốc lát lúc say.
Rượu mang lại cảm xúc thăng hoa, hay là đồng hành với cảm xúc đau buồn, nên nó thường gắn với nghệ sỹ, đặc biệt với các nhà thơ, quá nhiều nhà thơ nổi tiếng nhờ uống rượu mà có những kiệt tác, không biết có nhà thơ hay nghệ sỹ nào có kiệt tác khi thăng hoa nhờ bia hay trà chưa? Anh say không nhiều và cũng chả ra được kiệt tác nào từ rượu, nhưng chỉ đoán, cái say của rượu, nó từ từ, ngấm dần, nhưng đủ mạnh để tạo nên cảm xúc nồng nàn mạnh mẽ khác với bia. Cũng có thể tại vì anh không uống được nhiều bia, không thích uống bia đầy bụng, chỉ uống rượu, để có thể uống được lâu, để có thể lai rai nhậu kèm với đồ nhắm mà thực chất là mượn rượu để diệt mồi, để được ăn nhiều, mà thiên vị chăng.
Nhưng nói về cái nồng nàn của men rượu, khác với bia, nó “đằm thắm” hơn, xin các tín đồ của bia tha thứ cho sự thiên vị của anh. Phải thú thật là anh không thể chịu được vị cồn của thứ rượu quê mới cất từ lò ra, nó quá sốc, quá gắt với một kẻ tửu lượng kém. Rượu uống chỉ ngon khi đã ủ ngâm lâu năm, dù là hạ thổ của xứ rượu nếp cái hoa vàng/ nếp cẩm quê ta, hay rượu nho ngâm trong các bình gỗ ủ hàng chục năm để tạo nên wishkey, cognac , hay sake uống nóng, sochu uống lạnh, khi chất cồn đã hòa quyện trong rượu thành một chất nồng nồng cay cay, mang lại cảm giác say mà vẫn êm, không đau đầu. Rượu uống cũng khác, không tu ừng ực như bia, cũng không từng ngụm nhỏ rón rén như trà, người ta chỉ uống từ tốn chậm rãi, thưởng thức cái chất cay nồng đi qua họng, nóng bừng lên đi vào người lan tỏa ra để rồi đi vào máu, bốc dần lên đến đầu và lan tỏa khắp cơ thể. Cái cảm giác ấy thật đặc biệt, chỉ có khi uống rượu. Cảm giác lâng lâng, say cái say của rượu nhìn thấy đời nó qua một lăng kính hoàn toàn khác, thoát ly khỏi cuộc sống thực tại để bước vào thế giới hư hư thực thực, như là đàn ông uống rượu thấy đàn bà đẹp hơn, những kẻ nhút nhát khi uống rượu trở nên bạo dạn hơn, và hình như khi say người ta lại trở về bản ngã con người thật mà khi thường ít khi thể hiện, đặc biệt khi phụ nữ uống rượu , dường như họ đẹp hơn, quyến rũ hơn.

Lại nói về say, tất cả những kẻ uống rượu bảo rượu uống không say thì phí cả rượu. Nhưng có kẻ say thì thăng hoa dạng tiên tửu, làm thơ làm văn sáng tác như Lý Bạch Đỗ phủ, có kẻ say là đi ngủ, có kẻ lèm bèm nói nhiều, có kẻ lại mất kiểm soát mình chả biết mình làm gì. Uống say đến độ thăng hoa cảm xúc thì có cái sướng của “say”, chứ còn uống không biết gì hoặc làm việc mất kiểm soát thì phí cả rượu. Uống rượu thì phải hết mình, nhưng kiểm soát được mình là cả một nghệ thuật, để biết giới hạn khi say để chỉ tiên tửu chứ không thành ngộ tửu.

“Rượu ngon phải có bạn hiền”, uống rượu mà có bạn uống thì sẽ vui, “chè tam rượu tứ”, càng đông càng uống được nhiều, nhưng uống để chúc tụng ào ào khi đông bạn bè thì vui tuy có vui nhưng lại không có thời gian tận hưởng rượu mình uống, vì thế, uống để thưởng thức rượu, “nhắm rượu” cũng chả cần đông. “ tửu bất khả ép”, vì ép là giảm đi cái thú của uống rượu, vì thế dù có uống rượu quý mà bị ép thì cũng không thể nghĩ đến ngon hay không. Rượu thì cũng có năm bảy loại, từ loại rượu từ hoa quả như vang, cognac, cider, đến rượu nấu từ ngũ cốc như vodka, sake, wishky, rồi thì từ mía đường như rum nên cáchs thưởng thức có khác nhau. Khi uống người ta cảm giác bằng mũi và lưỡi. để cảm nhận “hương” và “vị” của rượu . Rượu hoa quả như vang, người ta thường dùng kèm với đồ ăn, hay các loại rượu pha Rum, gin để dùng pha cocktail cũng là một nghệ thuật thưởng thức rượu, nhưng như thế thì sẽ bị pha trộn mất hương vị thuần túy của rượu. Với những chai rượu vang ngon và quý, người ta cũng ít kết hợp với thức ăn, mà thường uống rượu không, có chăng thì uống thêm nước suối cho đỡ gắt, để giữ vị nguyên thủy của thứ nước cốt của hoa quả. Còn với rượu mạnh, thì tất nhiên là uống “sex”, có chăng gọi là tí mồi nhậu đưa đẩy để thưởng thức được nguyên cái tinh túy của gạo, của lúa mạch, như hương trời đất. Nhưng ngoài hương và vị của rượu, thì có được cái ngon của rượu, cần có thêm cảm xúc. Cái cảm xúc khi uống rượu nó quan trọng lắm, người ta thấy ngon hay không, uống nhiều hay ít, say hay không phần lớn dựa vào cảm xúc hay tâm lý. Cái cảm xúc ấy được tạo nên bởi cảnh vật xung quanh, bởi thời tiết, nhưng có lẽ quan trọng nhất là người uống cùng, uống để chia sẻ cảm xúc. Âu Dương Tu đời Tống đã phải thốt lên bên Tây Hồ của nàng Tây Thi ngày xuân: Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu Thoại bất đầu cơ bán cú đa (Gặp người tri kỷ ngàn ly thiếu Lời không hợp ý nửa câu nhiều)
Uống một mình thì buồn, lại còn chóng say, uống khi đông thì lúc cao hứng mạnh ai nấy chém, vừa không thưởng thức được rượu lại còn không chia sẻ được cảm xúc. Uống rượu hay nhất có lẽ là “đối ấm”, uống hai người, với bạn bè cũng được mà có lẽ tuyệt với nhất là uống với “tri kỷ”. Cái sự uống rượu với “tri kỷ” nó đã được các nhà thơ, nhà văn Tàu nâng lên thành đạo, đến như ông vua tiểu thuyết Kim Dung khi viết về các nhân vật của ông trong tiếu thuéứt võ hiệp.đã mô tả không biết bao nhiêu cuộc rượu giữa các tri kỉ hay bằng hữu. Khi có chén rượu, bên bằng hữu hay tri kỳ, người ta dễ dàng bộc lộ tâm tình, rượu là cái cớ để trao đổi. uống mà có bạn để nói chuyện, thì uống được nhiều, ít say, còn cứ uồng tì tì chả nói câu nào, chắc đổ cái rầm. Nhưng như ai nói, uống rượu không say thì phí cả rượu. Thôi thì lại nói tiếp về say vậy.
Khi rượu vào, dĩ nhiên là say. Thực ra thì nói là say thì có nhiều loại say: say rượu, say trà, say café, say sóng, v.v. Nhưng tất cả các thứ say trên, chủ yếu là ảnh hưởng đau đớn khó chịu về thân thể. Nhưng chỉ có say rượu, và say tình, là hai thứ say có lẽ tác động đến cảm xúc và tình cảm hay tinh thần của người say. Say rượu thì cũng có nhiều kiểu, có kiểu mặt đỏ phừng phừng rồi cao hứng xả qua đường nói, nếu còn kiểm soát được thì dám bạo dạn nói những lời có khi chưa bao giờ dám nói lúc tỉnh, còn nếu không biết gì thì làm nhảm những lời ngông cuồng. Có kẻ thì say cứ xịu dần đi rồi gục, lăn ra ngủ, ấy lại là may, còn hơn kẻ làm những điều xằng bậy , rồi tỉnh dậy chả nhớ mình làm gì. Lại cũng có người uống vào say rồi khóc tu tu, thường là phụ nữ, hay nếu là đàn ông thì cũng là tính cách mềm yếu. Nhưng say rượu thì dù chậm hay nhanh, có mệt mỏi đau đớn vật vã như say vang thì cũng sẽ tỉnh, dù nặng hay nhẹ thì cũng sẽ hết, người nhanh thì qua đêm còn người chậm thì mất cả ngày hôm sau, sẽ trở lại bình thường. Còn say tình, khó mà tỉnh, có tỉnh, thì dù có thế nào, cũng vẫn còn vết đau rất khó xóa. Thế cho nên, say rượu chính ra không đáng sợ, cứ uống thôi, miễn đừng uống rượu đểu để ngộ độc hay say đến chết để đi luôn về với tổ tiên, còn say tình, chính ra mới đáng sợ, vì chả biết bao giờ tỉnh, càng tỉnh rồi lại càng vẫn thấy đau trong lòng, vấn đề là chả ai ngăn được say tình.
Đặc biệt và tuyệt vời nhất là khi người ta nâng ly bên người tình, như Trương vô kỵ ngồi đối ẩm bên Triệu Mẫn, hay các cặp trai gái Pháp ngồi với nhau bên ly champagne, ly vang thì không biết người ta say vì men tình hay men rượu, có lẽ vị cay của men rượu hòa với vị ngọt của men tình cả hai quyền vào nhau, để tạo nên sự thăng hoa cho cuộc yêu. Có điều say rượu với người thường thì dễ, với anh còn dễ nữa, vì anh uống kém, còn say tình thì chả biết yêu bao nhiêu là đủ. Nên có khi say rượu trước cả say tình, thì còn làm ăn gì. Nhân hôm uống nhiều rượu, tán nhảm tí. Thái bình, 25/5/2016.