Friday, October 26, 2018

Ý nghĩa của Hạnh Phúc

Diễn văn của S.N. Goenka tại Hội Nghị Kinh Tế Thế Giới tại Davos, Thụy sĩ, 31/1/2000
( Fr. Chronicle of Dhamma)

(Bản dịch của nhóm thiền sinh hỗ trợ Vipassana, không copy dưới mọi hình thức).

Mọi người tham dự diễn đàn này nằm trong một nhóm người độc đáo trên địa cầu. Họ thường là những người giầu có nhất, quyền lực nhất, thành công nhất trên thế giới. Ngay như việc được mời tham dự Diễn Đàn Kinh Tế là sự công nhận địa vị nổi tiếng của họ so với người khác. Khi người nào có tất cả tiền bạc, quyền lực và địa vị mà họ mong ước, họ có nhất thiết được hạnh phúc hay không? Tất cả những sự thành đạt và mãn nguyện này có mang lại mọi thứ không? Hay là có những mức độ hạnh phúc lớn hơn mà ta có thể đạt được?
Hạnh phúc là một trạng thái phù du. Nó qua đi rất nhanh; giây phút này có, giây phút kế tiếp đã biến mất. Một ngày khi tất cả đều xuông xẻ trong công việc, trương mục ngân hàng, trong gia đình, ngày đó có hạnh phúc. Nhưng điều gì xảy ra khi gặp phải những điều không vừa ý? Khi những việc ngoài tầm kiểm soát xảy ra khiến cho hạnh phúc và hài hòa của quí vị bị ảnh hưởng?
Mọi người trên thế giới, bất kể quyền lực và địa vị, đều sẽ gặp những thời kỳ mà tình huống xảy ra ngoài sự kiểm soát và không theo ý mình. Nó có thể là sự phát hiện mình mắc phải chứng bệnh ngặt nghèo; có thể là ly dị hay phát giác người phối ngẫu ngoại tình. Đối với những người quá quen với thành công trong cuộc đời, nó có thể chỉ là sự thất bại nào đó: một quyết định làm ăn sai lầm, công ty của quí vị bị phá sản và quí vị bị mất việc, thất bại trong một cuộc bầu cử, người nào đó được đề cử vào chức vụ mà quí vị ao ước, hay con em của quí vị bỏ nhà ra đi hay chống đối lại những giá trị mà quí vị cho là quí giá. Dù cho quí vị giầu có, tiếng tăm, quyền lực đến đâu đi nữa, những sự kiện trái ý và thất bại như thế thường gây ra rất nhiều đau khổ.
Kế đến là câu hỏi: làm sao để đối phó với những thời kỳ bất hạnh này khiến cho cuộc sống lý tưởng bị xáo trộn? Những thời kỳ như thế chắc chắn xảy ra ngay cả đối với cuộc đời tốt đẹp nhất. Quí vị có hành xử một cách từ tốn và bình tâm hay là quí vị phản ứng bằng sự ghét bỏ đối với nỗi khổ mà quí vị đang chịu đựng? Quí vị có thèm khát hạnh phúc trở lại hay không? Hơn nữa, khi quí vị đã ghiền hạnh phúc và quen với mọi việc đều luôn luôn xảy ra theo ý mình và khi gặp chuyện bất như ý thì sự khổ sở trở thành lớn hơn nhiều. Thật ra nó trở nên không chịu đựng nổi. Nó thường khiến ta tìm đến rượu để đối phó với tình trạng thất vọng và chán nản, và uống thuốc ngủ để được nghỉ ngơi cần thiết để tiếp tục. Trong khi đó ta nói với mọi người là ta rất hạnh phúc bởi vì ta có tiền tài, quyền lực và địa vị
Tôi xuất thân từ một gia đình kinh doanh và là một doanh nhân và tài phiệt vào lúc còn rất trẻ. Tôi xây dựng nhà máy đường, nhà máy dệt, xưởng làm mền, thành lập công ty xuất nhập cảng có văn phòng trên khắp thế giới. Trong tiến trình kinh doanh tôi kiếm được rất nhiều tiền. Tuy nhiên tôi cũng nhớ rõ ràng tôi đã phản ứng như thế nào đối với những sự kiện trong việc kinh doanh và đời tư của tôi trong những năm đó. Hằng đêm, nếu tôi thất bại trong một thương vụ trong ngày, tôi nằm thao thức hằng giờ và cố tìm ra những gì sai trái để lần tới tôi phải làm gì. Ngay cả khi ngày đó tôi thành công lớn, tôi nằm thức để tận hưởng thành quả của mình. Trong khi tôi thành công, tôi không hề có hạnh phúc hay an lạc trong tâm. Tôi nhận thấy rằng an lạc rất gần gũi với hạnh phúc và tôi thường không có cả hai mặc dù tôi giầu có và có địa vị trong cộng đồng.
Tôi nhớ một bài thơ đắc ý của tôi liên quan đến vấn đề này.
Thật dễ để vui;
Khi cuộc đời êm suôi như một khúc hoan ca.
Nhưng một người có bản lãnh,
Là người có thể mỉm cười,
Khi mọi việc đều sai quấy.
Làm sao để mỗi người trong chúng ta đương đầu với những thời kỳ mà mọi việc đều sai quấy là một phần chính trong ‘ý nghĩa của hạnh phúc’, bất kể đến tiền tài, quyền lực, và tiếng tăm của chúng ta.
Nhu cầu căn bản của con người là ai cũng muốn sống một cuộc đời hạnh phúc. Để được như thế, ta phải cảm thấy hạnh phúc thật sự. Cái gọi là hạnh phúc mà ta cảm thấy khi có tiền tài, quyền lực và thú vui giải trí không phải là hạnh phúc thật sự. Nó rất mong manh, không bền vững và dễ mất. Để có hạnh phúc thật sự, hạnh phúc ổn định và bền vững, ta phải làm một cuộc hành trình sâu vào trong tâm và loại trừ mọi bất hạnh tồn trữ trong tầng lớp sâu hơn của tâm. Khi nào đau khổ tại đáy sâu của tâm vẫn tồn tại, mọi cố gắng để cảm thấy hạnh phúc ở bề mặt của tâm đều vô dụng.
Bất hạnh chất chứa ở đáy sâu của tâm tiếp tục sinh sôi nảy nở khi nào ta tiếp tục tạo ra những bất tịnh như tức giận, thù oán, ác ý, và ganh ghét. Luật tự nhiên là, ngay khi ta tạo ra bất tịnh thì bất hạnh lập tức nảy sinh. Không thể nào cảm thấy hạnh phúc và an lạc khi ta tạo ra bất tịnh trong tâm. Hạnh phúc và bất tịnh không thể đi đôi với nhau giống như ánh sáng và bóng tối không thể ở chung. Vào thời xa xưa trong nước tôi, một nhà khoa học siêu việt và vĩ đại đã khám phá ra một phương pháp có hệ thống và khoa học để ta có thăm dò sự thật về hiện tượng tâm-thân ở mức độ trải nghiệm. Phương pháp này được gọi là Vipassana, có nghĩa là quan sát sự thật một cách khách quan, đúng như thật,
Phương pháp giúp ta phát triển khả năng cảm thấy và hiểu được sự tương quan giữa tâm và thân bên trong cấu trúc thể xác của chính mình. Phương pháp Vipassana gồm có luật tự nhiên là bất cứ khi nào bất tịnh nảy sinh trong tâm, cùng một lúc, hai việc bắt đầu xảy ra tại tầng lớp thể xác. Một là hơi thở mất nhịp độ bình thường. Ta bắt đầu thở mạnh hơn khi nào ô nhiễm nảy sinh trong tâm. Đây là sự thật thô thiển và hiển nhiên mà ai cũng có thể cảm thấy. Cùng một lúc, ở tầng lớp vi tế hơn, một phản ứng sinh hóa khởi sự trong người: ta cảm thấy cảm giác trong thân. Mọi ô nhiễm tạo ra không cảm giác này thì cảm giác khác tại phần nào đó trong cơ thể.
Đây là một giải pháp thực dụng. Một người bình thường không thể quan sát những bất tịnh trừu tượng trong tâm: sợ hãi, tức giận, đam mê trừu tượng. Nhưng với sự chỉ dẫn và thực tập đúng đắn thì rất dễ quan sát hơi thở và cảm giác, cả hai vốn liên quan trực tiếp đến những bất tịnh tinh thần.
Hơi thở và cảm giác sẽ giúp ích theo hai cách. Thứ nhất, ngay khi bất tịnh nảy sinh trong tâm, hơi thở mất nhịp độ bình thường. Nó sẽ cảnh báo: ‘ Hãy xem, cái gì đó đã sai trái!’ Tương tự như thế, cảm giác bảo tôi: ‘ Cái gì đó đã sai.’ Tôi phải chấp nhận điều này. Rồi sau khi đã được cảnh báo, tôi bắt đầu quan sát hơi thở, cảm giác, và tôi thấy rằng sự bất tịnh sẽ sớm mất đi.
Hiện tượng tâm thân này giống như hai mặt của một đồng xu. Trên một mặt là ý nghĩ hay cảm xúc nảy sinh trong tâm. Trên mặt kia là hơi thở và cảm giác. Mọi ý nghĩ cố tình hay vô ý, mọi bất tịnh tinh thần đều thể hiện bằng hơi thở và cảm giác trong giây phút ấy. Do đó bằng cách quan sát hơi thở và cảm giác, ta gián tiếp quan sát bất tịnh tinh thần. Thay vì trốn tránh vấn đề, quí vị đang đối diện với sự thật đúng như thật. Rồi quí vị thấy rằng bất tịnh mất đi sức mạnh; chúng không còn khống chế quí vị như trước đây. Nếu quí vị kiên trì, thì rồi bất tịnh cũng hoàn toàn biến mất và quí vị hưởng được an lạc và hạnh phúc.
Bằng cách này, phương pháp tự quan sát cho ta thấy sự thật trong hai trạng thái: bên ngoài và bên trong. Trước đây, ta luôn luôn nhìn ra bên ngoài với cặp mắt mở, bỏ quên sự thật bên trong. Con người lúc nào cũng tìm kiếm bên ngoài về nguyên nhân của sự bất hạnh của họ. Họ lúc nào cũng đổ lỗi và cố thay đổi sự thật bên ngoài. Vô minh về sự thật bên trong, họ không bao giờ hiểu được rằng nguồn gốc của khổ đau nằm ở bên trong, ở những phản ứng mù quáng của họ.
Ta càng thực tập phương pháp này, ta càng sớm thoát khỏi nhưng bất tịnh chừng đó. Dần dần tâm sẽ không còn bất tịnh; tâm trở nên thanh tịnh. Một tâm thanh tịnh lúc nào cũng tràn đầy tình thương, tình thương không ràng buộc cho người khác; tràn đầy từ bi cho sự thất bại và đau khổ của người khác; tràn đầy hỷ lạc cho sự thành công và hạnh phúc của họ; tràn đầy bình tâm trong mọi hoàn cảnh.
Khi ta đạt đến giai đoạn này, toàn thể khưôn mẫu của đời mình bắt đầu thay đổi. Không thể nào ta có thể làm điều gì bằng lời nói hay việc làm phá rối sự an lạc và hài hòa của người khác. Trái lại, một tâm quân bình không những trở nên an lạc mà còn giúp người khác trở nên an lạc. Bầu không khí xung quanh một người như thế tràn đầy an lạc, hòa hợp và hạnh phúc thật sự. Chúng cũng bắt đầu ảnh hưởng đến người khác. Sự chứng nghiệm trực tiếp sự thật nội tâm, phương pháp tự quan sát này được gọi là Vipassana. Nó là đường lối giản dị trực tiếp đưa đến một cuộc sống hạnh phúc thật sự.
Có những yếu tố khác nhau để sống một cuộc sống hạnh phúc. Một số yếu tố này liên quan đến nhóm người tham dự hội nghị này. Khi quí vị có tất cả tiền bạc và của cải mà quí vị mong ước, làm sao quí vị có thể vui hưởng những đặc ân này trong khi có hằng triệu người đang đói khát. Trong khi không có điều gì sai trai trong việc kiếm tiền để chu cấp cho mình, cho gia đình và những người phụ thuộc vào mình, quí vị cũng nên trả lại cho xã hội. Quí vị kiếm được tiền bạc từ xã hội, do đó quí vị nên trả lại ít nhiều. Thái độ phải là: ‘Tôi kiếm tiền cho tôi nhưng tôi cũng kiếm tiền cho người khác.’
Một khía cạnh khác của hạnh phúc trong việc kinh doanh là phải chắc rằng những gì quí vị làm để kiếm tiền không làm hại hay tổn thương người khác. Đây là trách nhiệm lớn lao.Tiền bạc kiếm được mà làm hại sự an lạc và hạnh phúc của những người khác không bao giờ mang lại hạnh phúc cho quí vị. Hạnh phúc thật sự không phải là của cải hay thành đạt hay giàu sang hay quyền lực. Nó là trạng thái nội tâm con người phát xuất từ một tâm thanh tịnh và an lạc. Vipassana là một phương tiện giúp mọi người đạt được trạng thái đó.





No comments: