Friday, July 4, 2008

Tản mạn kem

-->
Trong một ngày hè nóng bức đến ngột ngạt đến khó ngủ, khi người ta phải đổ xô ra ngoài đường và xếp hàng dài quanh những tiệm kem nổi tiếng, ký ức chợt đưa tôi về những que kem thời thơ ấu, những que kem Tràng Tiền và mùa hè Hà nội…
Ti Toe..ti toe Ti .. toe
Nỗi nhớ đưa tôi về tiếng còi “kem mút” của anh bán kem, rong ruổi khắp các làng xóm thời bao cấp, trong những buổi trưa hè ngột ngạt oi bức, mời gọi lũ trẻ chúng tôi đang thiu thiu giấc ngủ trưa hay lén trốn bố mẹ đi chơi dưới bóng những bụi tre làng mát rượi. Để rồi chúng tôi mang tất cả những gì có thể, dép nhựa hỏng, chai lọ, nylon ra chỉ để đổi lấy một que kem chủ yếu là nước lã, pha đường hóa học với đủ các loại phẩm màu xanh vàng đỏ. Cả lũ trẻ xúm vào quanh bên thùng gỗ lót hộp xốp đằng sau xe đạp, thèm thuồng nhìn anh bán kem cẩn thận nhắc từng que kem bốc khói nghi ngút ra như sợ rơi mất, để rồi chia nhau từng cái mút kem mát lịm đến tận cuống họng.
Nghỉ hè, được người lớn dẫn đi ăn kem cốc ở Long Vân, Thủy Tạ hay Bodega, là cả một niềm vui sướng mong chờ của những đứa trẻ như tôi lúc đó. Những cốc kem sang trọng trong các ly thy tinh trong suốt, cắm thêm cái que bánh quế, dường như là sự xa xỉ mà thi thoảng tôi mới có dịp thưởng thức. Và thế là những cốc kem ký Sài gòn trên đường Trần Quốc Toản, với đủ các hương v sầu riêng, xoài, dâu tây, lạnh đến rụng cả răng nhưng lại rẻ, là địa chỉ thường xuyên của lũ học trò ít tiền nhưng hay ăn quà vặt như chúng tôi.
Nhưng ấn tượng nhất là mỗi lần đạp xe được lên đến Tràng Tiền mua sách, là thế nào cũng vào ăn kem Tràng Tiền. Những que kem cốm, sô cô la, kem sữa, đậu xanh hay đắt hơn chút là ốc quế, dường như là món không thể thiếu của người Hà Nội xung quanh Bờ Hồ, từ già đến trẻ, cứ như là buổi sáng ăn phở thì buổi chiều tối phải ăn kem Tràng Tiền vậy. Cứ mỗi ngày hè trời nóng, con phố chính của Hà ni vốn đông đúc, lại càng thêm chật chội bởi người ăn kem đứng chật cả lòng đường, que kem vứt ngổn ngang. Một chị bạn người Sài Gòn của tôi,  đã đi nước ngoài nhiều lần, khi ra Hà nội lần đầu cứ nằng nặc phải đòi bằng được đi ăn kem cốm Tràng Tiền. Và ăn rồi thì nghiện đến mức thi thoảng còn nhờ người mang máy bay vào. Sài Gòn thiếu gì kem, nhưng chắc hương vị kem Tràng Tiền, có gì hấp dẫn đặc biệt chăng. Sau này, nghe đâu xung quanh Ngô Quyền, Bờ Hồ có kem Mỹ, kem Ý, những hình như người Hà nội vẫn trung thành với kem Tràng Tiền 2-3 nghìn một que. Liệu có phải kem kia quá đắt không?
Rời Hà Nội tôi vẫn nghiện kem, kem ở nước ngoài thì ê hề đủ các loại: Breyer’s, Bens &Jerry, Häagen-Dazs. Mua cả hộp kem về để tủ lạnh ăn dần kèm với dâu tây, và thi thoảng đi ăn kem ngoài cửa hàng, từ Baskin-Robbins nhiều mùi, cho đến Dairy Queen với nửa quả chuối to đùng, vẫn thấy ngon nhưng có lẽ không còn cảm giác thèm thuồng như xưa. Để rồi một buổi dạo phố trong buổi chiều nóng bức hiếm hoi của mùa hè xứ lạnh, tôi chợt nhìn thấy dòng người xếp hàng dài kín cả dãy phố, hỏi ra thì hóa ra là họ xếp hàng mua kem, quán kem Bilboquet nổi tiếng của Montreal. Nhìn những đám người tụ tập hết đứng lại ngồi trên vỉa hè ăn các que kem trái cây một cách ngon lành, trong tôi lại có cảm xúc ngọt ngào của những cây kem Tràng tiền ở Hà nội.
Sau này tôi đã ngồi ăn kem bên người bạn thân giữa đêm Noel rộn rã náo nhiệt của Sài Gòn, kem thật ngon, trông thật đẹp mắt, nhưng sao tôi vẫn không thèm như khi đứng dọc phố Tràng tiền ăn kem cốm hay sôcôla, hay ngồi vỉa hè ăn Sorbeit của Montreal. Cũng cùng cảm giác đấy giống như tôi ngồi ăn kem trong một quán rất đẹp sát Bờ Hồ mà tôi cũng chẳng nhớ tên, thật sang trọng, nhưng vắng vẻ và trống trải. Có lẽ người ta đi ăn kem không phải để có vị trí đẹp, cái đó có lẽ để uống café thì hợp hơn. Tự nhiên tôi chợt nghĩ rằng, hình như có hai loại kem, bạn sẽ chọn ăn loại kem nổi tiếng và hình thức đẹp, trong những quán sang trọng có máy lạnh, hay là khi đang bước trên những con phố của mùa hè oi bức, được tạt vào hàng kem vừa đứng “vừa ăn vừa thổi” những cây kem que hoặc ốc quế đơn giản không cầu kỳ?
Và thế là để một trưa mùa đông nhưng vẫn nóng chảy mỡ của Hà Nội, ở hiệu kem Tràng Tiền, giờ đây đã được bố trí lùi hẳn vào trong để người mua không còn đứng tràn ra vỉa hè, cả cô bán hàng những người khách xung quanh tròn mắt thấy một gã lần lượt ăn hết loại kem này đến loại kem khác một cách say sưa. Hắn đang thưởng thức kem hay cố tìm lại hương vị quê hương, cố vớt vát và níu kéo những kỉ niệm tuổi thơ đã qua?