Thursday, September 6, 2007

(Vè) mùa thu

Thu chớm về Hà Nội chưa em
Để một người ngồi ngẩn ngơ thèm
Gió heo may thoảng thơm mùi cốm
Quyện lẫn hương sen hay hương em

Thu đã về Hà Nội chưa em
Để một người ngồi ước mong xem
Bao giờ mùa su sê và bánh cốm
Vác đến nhà mình ..chạm ngõ em

Hà Nội đã lập thu chưa em
Tết Trung thu về xem rước đèn
Giá anh là Cuội chăn trâu nhỉ
Luôn có chị Hằng, chẳng nhớ em

Thu đã ngập tràn Hà Nội chưa em
Để một người mất ngủ về đêm
Hương hoa sữa “nồng nàn đắm đuối"
Để mặc người dị ứng, mũi tèm lem

Thu đã đi qua Hà Nội chưa em
Để lòng anh man mác buồn thêm
Nhìn rừng phong thay lá vàng lá đỏ,
Nhớ về Hà Nội xưa, có em

Sunday, August 19, 2007

Hương mùa thu

Cứ như có hẹn, tự nhiên một chút gió se lạnh cuối hè, cũng với gói cốm và sấu của người bạn mới đem sang, tự nhiên thấy lòng nao nao. Càm giác nhớ mùa thu Hà Nội đến heo hắt. Gíó heo may, cốm, và chút canh sấu thịt nạc, dường như đã đem vị mùa thu ở Hà Nội cho những người con xa quê ở xứ người.

Đã bao lần, tôi tranh luận với những người kiều bào Nam Bộ về món ăn Sài Gòn Hà Nội, để chứng tỏ rằng món ăn Hà Nội của tôi thật thanh lịch và rất tinh tế, và cũng rất khoa học với rất nhiều rau tươi, ít mỡ, ít đường hơn hẳn các món cay cay, đậm đậm của người Sài Gòn hay Tàu. Nhưng dường như khẩu vị ăn uống tuỳ thuộc vùng miền và thật khó thay đổi. Ấy thế nhưng người ở đâu, dù ở xa hay gần, kiều bào hay người trong nước thì cũng phải công nhận với tôi một điều rằng không ở đâu cốm ngon như ở Hà Nội.

Cốm tươi, có lẽ chỉ có bán ở Hà Nội, vì thế nên mới có câu "bây giờ ở Hà Nội là mùa cốm" chứ không gắn ở bấy kỳ nơi nào khác. Dẫu rằng cốm tươi của tôi phải cho vào tủ lạnh và bay hơn 24 tiếng, và trước khi ăn phải cho vào microwave, thì vị thơm của lúa nếp non, vị bùi của cốm quyện với chuối, vẫn còn như nguyên như khi tôi vừa ăn cốm của mấy chị bán cốm mang từ Vòng, Mễ Trì đi lên, có khác chăng là không có hương vị thơm ngát của cọng rơm vàng buộc hờ gói lá sen bánh tẻ. Nhưng như thế cũng đã là quá sang trọng đối với người xa xứ, để người con xa Hà Nội phải lấy ngón tay nhón từng nhúm nhỏ đưa vào miệng, nhai nhỏ nhẹ thật lâu, như muốn lưu thật lâu vị bùi, vị dẻo của hạt cốm quê hương, cho đến hạt cuối cùng.

Bánh cốm, tôi đã từng ăn bánh từ Paris, hay Little Saigon, nơi nổi tiếng về cộng đồng người Việt cũng sành ăn và kén chọn, thì vẫn không thể so sánh được với bánh cốm Hà Nội. Có lẽ chỉ có bánh cốm của Hà Nội mới làm từ cốm khô thực sự và vì thế vẫn giữ được vị cốm mềm dẻo quện với vị ngọt của đậu xanh, cuả dừa và hương bưởi, để phân biệt với bánh cốm từ các vùng khác vốn được đồ từ xôi và nhuộm phẩm, đâu còn cái bùi, cái thơm của bánh cốm Hàng Than.

"Máu người Hà Nội có vị sấu chua", đó chỉ là cách nói văn vẻ của Băng Sơn, nhưng có ai không thích được ăn canh chua sấu, rau muống dầm sấu, canh sườn nấu sấu, hay nhất là canh thịt nạc nấu sấu. Vũ Bằng từng ca ngợi canh thịt nạc với nhót cho tháng 5, nhưng có lẽ với tôi, thịt nạc băm với sấu, vị không gắt như nhót, hợp với khẩu vị người Hà Nội hơn nhiều. Dẫu sấu mang từ Hà Nội của tôi có phải ngâm đông lạnh, nhưng vị chua thanh thanh, dịu dịu khi nấu với thịt nạc, vẫn còn vương vấn như chính tính cách của người Hà Nội: dịụ dàng, thanh thanh, chua mà không gắt, nhẹ nhàng nhưng thật sâu sắc và tinh tế. Có lẽ văn hoá ẩm thực luôn gắn liền với tính cách, với tâm hồn con người là vậy.

Bát canh sấu chua, gói cốm thơm nhỏ nhoi liệu có làm dịu đi nỗi nhớ se sắt mùa thu Hà Nội mà gió heo may đem lại, mang lòng người về gần với quê hương hơn hay lại càng làm cho nỗi nhớ mùa thu Hà nội tê tái hơn?

Montreal, Tháng 8 2007

Lưu Tuấn Anh

Monday, June 18, 2007

Beer vs. Woman

Benjamin Franklin said" "Beer is proof that God loves us and wants us to be happy", and I say " Woman is proof that God hates us and wants us to be crazy".

HAPPY MOTHER'S DAY


Ngày của mẹ, nhặt tạm bài thơ con cóc từ trên trời rơi xuống, của một tác rởm ở Montreal "tối tác"

Có th nào din t được thành li,

Tình yêu vi m ca tôi

Mt ph n to tn sm ti,

Chăm sóc tôi t khi bé di,

Đ bây gi thành mt chàng trai


M ca tôi có mt không hai ,

Luôn nu cho tôi nhng món ăn ngon nht,

bên mi khi tôi khóc,

Làm du ni bun và chia s nim vui

Và gi tôi xa nhà ,m vn bên tôi,

Trong tình thương người m tuyt vi ,

Lo cho tôi c nhng điu nh nht

Vi m tôi luôn là thng tr nht

Luôn khù kh nhưng đáng yêu nht ca mama


M yêu ơi con yêu m nht nhà,

Không gì sánh được tình yêu ca m,

Đ gi con đã xa na vòng qu đt,

Con vn nh m hin c trong nhng gic mơ

Đ mun nh m c trong nhng vn thơ

con cóc


Ngày ca m , con biết làm gì đ thy m vui

Đ được nhìn m cười tươi như ngày con đt đim mười

Đ xóa nét ưu tư khi con không nghe li, nghch di

Con ước gì luôn có m bên cuc đi bươn chi

Đ luôn tìm thy yên bình trong tình m bao la

(LC, Montreal 11/5/07)

Nhớ mùa hoa loa kèn Hà Nội


Tôi thầm nhủ, thế là một mùa đông lạnh giá đã khép lại, tuyết tan và báo hiệu mùa xuân ngắn ngủi đang đến. Có lẽ thời điểm này của một năm cũng không có gì quá ấn tượng ở xứ 6 tháng mùa đông và mùa xuân chỉ có 2 tuần.

Chỉ thấy ngoài đường tuyết bắt đầu tan, cảm giác khí hậu ẩm ẩm giống hệt những cơn mưa phùn lai rai của Hà Nội mà tôi vồn dĩ không ưa. Nhưng chợt nhìn thấy hoa lilies khi đi shopping, để tự nhiên nhớ rằng vào mùa này, ở nhà lúc nào cũng có một bình hoa trắng muốt. Bắt đầu mùa hoa loa kèn ở Hà Nội.

Không biết có phải vì những bông loa kèn trắng tinh khiết, đã được đặt cạnh cô gái Hà thành xinh đẹp với tà áo dài trắng muốt như trong tranh Tô Ngọc Vân, hay vì màu trắng thanh lịch với hưong thơm dịu dàng quyến rũ hợp với hồn người Tràng An, mà dường như nó mặc nhiên được dành cho Hà Nội. Hoa loa kèn thanh khiết, sang trọng và quyến rũ, cũng như người con gái Hà thành, e ấp, nhẹ nhàng, giản dị nhưng cũng thật huyền ảo với cảm giác mỏng manh và kiêu kỳ. Cái gì đẹp cũng chóng qua, và mùa hoa loa kèn cũng thật ngắn ngủi, nở bừng lên rồi tan biến đi thật nhanh. Để người vô tình thảng thốt nhận ra vẻ đẹp của hoa loa kèn thì một mùa hoa đã lại đi qua, gieo vào lòng bao nỗi tiếc nuối bâng khuâng với những cảm xúc lãng mạn.

Ước rằng giá lúc này được ở bên một tà áo dài trắng và bình hoa loa kèn trong một căn phòng ở Hà Nội....

Luu Chiu

Montreal (cuối tháng 3/2007)

(http://www.hanoimoi.com.vn/vn/40/124906/)

Muộn

Cái ý tưởng về bài này chợt đến khi vô tình đọc lời than phiền "phụ nữ luôn đi muộn" ;-)

Chàng bồn chồn ngồi đợi, nàng vẫn chưa đến.
Cái đồng hồ của chàng bị hỏng cách đây vài ngày, nên chàng phải dùng con di động ghẻ để xem giờ. Chàng hết rút điện thoại ra rồi lại đút nó vào túi, nàng đã muộn hơn 15 phút rồi.Chàng cũng chả buồn thử nhắn tin, vì biết rằng sẽ luôn nhận được nhắn lại là nàng đang đến.
Đây có phải lần đầu đâu, nàng luôn đến muộn. Dường như từ khi quen nàng cách đây vài tháng, có lẽ hơn chục lần nàng trễ hẹn với chàng, ít nhất là lần thứ 10 trí nhớ tệ hại của chàng nhớ được. Có lẽ phải nhiều hơn thế, rất nhiều lần, những thôi không tính vì chàng cũng chẳng nhớ. Sau những lần như thế thì dường như chàng chấp nhận nó. Chấp nhận mà lại như không. Vì nếu chàng cũng đến muộn 15 phút, như nàng, thì chàng sẽ luôn "đúng hẹn" với nàng, nhưng hóa chăng chàng lại đến không đúng giờ, chả ra làm sao, vì thế chàng lại luôn đến đúng giờ. Khổ thế.
Chàng ngờ rằng, có lẽ nàng biết, nhưng luôn cố tình để đến muộn. Như mọi lần khác, chàng ngồi uống nước chè, giở báo Thể Thao Văn Hóa ra đọc lại những tin cũ, OK thôi. Chỉ một vài lần chàng ngồi hơn nửa tiếng trong quán ăn chờ nàng, để từ bà chủ cửa hàng đến lũ khách mọi rợ ăn thì vẫn cứ rào rào , mà mắt vẫn nhìn chàng với ánh mắt nghi ngờ như nhìn thằng trộm.
Ờ, nhưng nàng luôn xin lỗi rất thành khẩn mỗi khi đến muộn. Có lần để tỏ rõ sự hối lỗi của mình, đôi khi còn giành quyền trả tiền cho cả hai, khi thì café, khi thì cốc chè, một quyền mà chàng thường được ưu tiên như là hiển nhiên nó như thế, để chuộc lỗi đi muộn của mình. Thật tuyệt, nhưng chàng thích được trả tiền để giá mà nàng đừng đến muộn…
Dường như đó là bản chất của nàng. Có lúc chàng chợt nghĩ là phụ nữ thích được đến trễ giờ như là một cách làm duyên. Chàng hiểu điều đó. Thời gian cao su trong khi đến ăn tiệc, là điều thường xảy ra, và có lẽ được chấp nhận như một thói quen. Chàng luôn là người đến sớm nhất trong các bữa tiệc, và thích thú nhìn từng người xuất hiện với lời xin lỗi rất thành khẩn. Nhưng đến muộn trong cuộc hẹn chỉ có hai người thì lại là chuyện khác. Chẳng lẽ tất cả phụ nữ đều thế. Bực nhể.
Đã có lúc chàng nghĩ rằng phải nói với nàng về điều đó. Nàng phải biết để lên kế hoạch đến chỗ hẹn ít nhất 20 phút trước giờ hẹn, chứ không phải là cứ vô tình hay cố tình đợi đến khi quá giờ hẹn rồi mới vội vàng tất tả đi. Chàng phân vân không biết là nàng chỉ trễ hẹn với chàng, hay là với cả những người khác. Với chàng, thì nàng cứ coi như là hiển nhiên, nàng biết chàng sẽ đợi. Còn chàng thì đợi vì biết rằng nàng cuối cùng bao giờ cũng đến, luôn đến, chỉ có điều đến trễ. Và luôn luôn trễ. Thế mới khổ.
Chàng ngẩng lên, vẫn không phải nàng. Chàng lại rút điện thoại ra, bây giờ thì nàng đến muộn 25 phút rồi.
“Mình phải đi”, chàng tự nhủ,” mình sẽ dạy cho nàng một bài học”.
Chàng đút điện thoại vào túi quần, và quay đi.
“Lần sau mình sẽ đến trễ” , chàng lại tự bảo mình. Có lẽ chàng sẽ đến muộn 30 phút, vì mình biết nàng sẽ muộn 15 phút, và hãy để nàng phải trải qua 15 phút chờ đợi đau khổ như chàng đã đợi nàng. Đấy, nếu đến trễ, chàng sẽ chả bao giờ phải đợi, không phải cảm thấy những điều tồi tệ hay chán nản trong khi đợi chờ. Chàng vừa đến, và mọi người đang dài cổ đợi chàng sẽ thấy thật là sung sướng khi nhìn thấy chàng, đôi lúc còn thấy biết ơn như thế chàng giải thoát cho họ khỏi nỗi chờ đợi mà quên mất rằng chính chàng là nguyên nhân. Được, lần sau chàng sẽ đến muộn.
Có ai đó đặt tay lên vai chàng. Là nàng, chính nàng.
:Anh, em xin lỗi, em đến muộn, em..”, và nàng nhìn thấy vẻ mặt chàng ”Có gì vậy anh?
Chàng hít một hơi thật sâu “Anh phải nói với em rằng…”.
Montreal, March 15

L.C.

Học sau đại học tại Canada (II)

Học phí, chi phí sinh hoạt và học bổng cho sau đại học:

Nói chung học ở Canada, học phí và chi phí sinh hoạt rẻ hơn ở Anh và Mỹ. Chi tiêu thuê nhà ăn uống vui chơi giải trí với nhu cầu cơ bản theo kiểu sinh viên sẽ dao động khoảng từ 8000-12000CAN$*/12 tháng tuỳ nơi các bạn sống và học tập. Học phí một kỳ cho sinh viên quốc tế tuỳ thuộc vào các trường, vào các tỉnh và tuỳ thuộc ngành, dao động từ 2,500CAN$/ kỳ đến 5500CAN$/ kỳ. Bạn phải vào website của trường để xem tiền học phí là bao nhiêu. Sinh viên người bản xứ học phí bằng khoảng 1/2 sinh viên quốc tế thậm chí rẻ hơn, một số trường có thể cho phép sinh viên quốc tế đóng học phí như dân sinh viên bản xứ nhưng cũng cạnh tranh dựa trên thành tích học tập. Riêng với tỉnh Quebec, vùng nói tiếng Pháp, có thể xin suất đóng học phí như dân bản xứ ở Bộ Giáo dục Đào tạo (BGDĐT) Việt nam hoặc ở tại trường mình học, mỗi năm có một số suất nhưng cũng cạnh tranh. Ngoài tiền học phí, tiền ăn ở, phải có tiền mua bảo hiểm sức khoẻ bắt buộc và bảo hiểm nha khoa (tự chọn) đối với sinh viên quốc tế mỗi năm khoảng 600-1000CAN$ tuỳ trường. Như nói ở trên , một năm, nếu ở và học cả 3 học kỳ, cộng tiền ăn ở, thì phải có ít nhất khoảng từ 20,000-25,000CAN$ chi tiêu. Cái này phải chuẩn bị là căn cứ khi chứng minh tài chính xin visa du học. Ngòai ra, cũng phải tính đến chi phí vé máy bay sang học và về thăm nhà, một vé hai chiều hạng rẻ nhất từ Canada về Việt nam khỏang 1500-2300CAN$ tùy thời điểm.

Về học bổng, trừ các sinh viên được học bổng của chính phủ Việt nam, các tổ chức quốc tế đài thọ hay tự túc hoàn toàn, các sinh viên sau đại học có thể tìm kiếm học bổng toàn phần (học phí và chi phí ăn ở) sau :

-Học các trường tiếng Pháp, có thể xin học bổng PCBF có thể tìm hiểu thông tin ở Bộ Giáo Dục Đào Tạo Việt nam hoặc www. pcbf.qc.ca . Thường thì đến tháng 11 hàng năm thì xét để cho học kỳ mùa thu năm sau. Đây là học bổng toàn phần cho 2 năm cho master và 3-4 năm cho Ph.D.

-Học bổng AUPELUREF cũng cho khối tiếng Pháp giống PCBF: http://www.auf.org/

-Học bổng của cơ quan phát triển quốc tế Canada (CIDA): liên hệ ĐSQ Canada tại Việt nam hoặc vào http://www.acdi-cida.gc.ca/index.htm.

Ngòai ra, các bạn có thể tìm các nguồn trợ giúp một phần chi phí học dưới các hình thức sau:

-Học bổng (fellowship và scholarship): tùy trường, tùy khoa và tùy năm bạn xin học sẽ có các hình thức học bổng khác nhau, học bổng này dựa trên thành tích học tập và ít kèm theo điều kiện gì. Học bổng có thể dao động từ 2,000CAN$-10,000CAN$ hoặc hơn, chỉ cho một lần trong năm. Thông tin nên vào website của trường và khoa để xem.

-Trợ giảng (teaching assistant): cái này liên hệ trực tiếp với khoa bạn xin học, tùy thuộc trình độ chuyên môn và tiếng Anh(Pháp) của bạn và nhu cầu trợ giảng của khoa. Sinh viên cao học sẽ được trả từ 18-30$/ giờ, thông thường một tuần sẽ làm khoảng 6 -12 giờ, có thể được trả từ 1,500-4,000CAN$/ một học kỳ và có thể được làm trợ giảng 2 kỳ/năm.

-Trợ lý nghiên cứu (research assistant): đa phần là cho sinh viên nghiên cứu master by thesis hoặc doctor. Tuỳ thầy, tuỳ trường mà tổng số tiền từ nghiên cứu và trợ giảng là khác nhau. Thông thường đề tài nghiện cứu của sinh viên là đã gắn với một dự án nào đó nên đa số sinh viên nghiên cứu sẽ được research assistant, không nhiều thì ít. Các sinh viên chỉ học trên lớp không nghiên cứu không được sự trợ giúp này.

Làm thêm trong và ngoài trường (part-time job): hiện tại Canada đã cho sinh viên quốc tế được đi làm ngoài trường (off-campus) và tất nhiên là ở trong trường (on-campus). Đi làm trong trường, thông thường sẽ được phép làm từ 10-15 giờ/tuần, trung bình khoảng 10-12$/ giờ. Đi làm ngoài trường, phải liên hệ với Canadian Immigration để xin workpermit và số giờ tùy họ chỉ định (thường không quá 20 giờ/tuần).

Với sinh viên Việt nam tại các thành phố lớn, môt hình thức phổ biến là các bạn đi làm tại các nhà hàng Việt nam, các quán bán tạp hóa, thông thường là được trả tiền mặt và không có work permit, với thu nhập khoảng từ 7-10$/ giờ cũng giúp chi phí phần nào đỡ cho gia đình. Tuy nhiên không nên quá dựa dẫm vào việc này vì không ổn định, hơn nữa việc đi làm thêm rất vất vả và làm nhiều quá sẽ ảnh hưởng đến thời gian học.

Các tỉnh bang và các trường ĐH

Thường các sinh viên Việt nam (hay các nước khác cũng vậy), đều thích học tại những thành phố lớn, tại các trung tâm thưong maị, du lịch nơi tập trung cộng đồng người Việt. Đơn giản là nhưng nơi đó sẽ đông vui, sầm uất, thuận tiện cho việc đi lại vì ngoài thời gian học ở trường còn phải có nhưng hoạt động vui chơi giải trí khác. Sau đây là những nét khái quát nhất một số tỉnh, thành phố những nơi có nhiều trường ĐH và cũng là những nơi tập trung nhiều sinh viên Việt nam học nhất:

*Tỉnh bang Ontario: đây là vùng nói tiếng Anh, là tỉnh lớn nhất, tập trung đông dân cư nhất của Canada. Ở đây có thành phố Toronto lớn nhất Canada, có thủ đô Ottwa, có nhiều trường ĐH nổi tiếng. Tuy nhiên học phí và chi phí sinh hoạt cũng thuộc loại đắt nhất. Học phí hằng năm 3 kỳ cho sinh viên quốc tế vào khỏang 14,000-16,000CAN$ và chi phí sinh hoạt từ 9,000-12,000CAN$/ năm. Các trường nổi tiếng ở Ontario có thể kể ra:

University of Toronto : nằm tại trung tâm Toronto, trường quy mô lớn nhất, và nổi tiếng nhất ở Canada và nằm trong số những trường hàng đầu ở Bắc Mỹ và thế giới. Ở đây hầu hết các ngành đều nổi tiếng hàng đầu ở Canada và kèm theo là cũng rất khó xin vào học.

Queens Univesity: là trường quy mô nhỏ hơn nhưng luôn nằm trong top 5 các trường hàng đầu của Canada và có campus rất đẹp, được mệnh danh là trường "quý tộc"(elite school) ở Canada. Trường nằm tại Kingston , một thành phố nhỏ rất yên bình cách Toronto khoảng một giờ lái xe.

University of Western Ontario: nằm tại London, , một trong những trường lâu đời và rất nổi tiếng ở Canada, nổi tiếng về chuyên ngành quản trị kinh doanh, y khoa, nghiên cứu gió và thiên tai. Thàn phố London bên bờ sông Thame là cầu nối giữa Toronto và Detroit, Michigan.

University of Waterloo: chuyên ngành khoa học máy tính của trường được đánh giá trong những trường tốt nhất Bắc Mỹ. Đầu vào sinh viên của khoa máy tính cũng như kỹ thuật (engineering) của University of Waterloo có thể nói là chất lượng cao và khó nhất Canada.

Ngoài ra, ở Ontario còn rất nhiều trường ĐH nổi tiếng không kém như McMasster University, York University, Carleton University, University of Ottawa . mỗi trường có thế mạnh riêng.

Quebec: đây là vùng nói tiếng Pháp, nhưng đại đa số người dân thông thạo hai thứ tiếng Anh và Pháp. Học phí tại các trường Quebec cũng thuộc vào hàng rẻ nhất Canada, từ 2500CAN$ đến 5000CAN$/ kỳ. Các trường Quebec đa số là dạy tiếng Pháp, ngoài ra có 2 trường tiếng Anh là McGill University và Concordia University. Ở Quebec có Montréal cũng là thành phố lớn thứ nhì và cũng có cộng đồng người Việt đông thứ 2 tại Canada. Montréal nổi tiếng Bắc Mỹ về sự đa dạng văn hóa, với tràn ngập các lễ hội sôi động trong suốt mùa hè. Ở Quebec có thủ phủ Quebec city, một thành phố lịch sử nổi tiếng rất đặc trưng châu Âu.

Sinh viên Việt nam học tiếng Pháp có thể xin học bổng của chính phủ tỉnh Quebec, qua Bộ GDĐT Việt nam, cũng như có thể xin giảm học phí đóng như sinh viên Quebec ở đây.

Một số trường nổi tiếng tại Quebec:

McGill University : nằm tại trung tâm của Montreal, là trường ĐH dạy tiếng Anh lâu đời nhất, luôn là trường ĐH nổi tiếng nhất nhì của Canada. McGill University nổi tiếng là địa chỉ học tập ưa thích của các sinh viên quốc tế với tỷ lệ sinh viên quốc tế cao nhất Bắc Mỹ đến từ 150 nước. ĐH McGill nổi tiếng Canada và quốc tế về các ngành Y khoa, và Luật, khoa học xã hội trong khi các ngành khác luôn nằm trong số những trường nghiên cứu hàng đầu tại Canada.

Université de Montréal, với quy mô lớn nhất Quebec, University de Montréal là trường dạy tiếng Pháp hàng đầu của Canada.

Université Laval : trường ĐH lâu đời nhất Canada và là trường dạy tiếng Pháp đầu tiên tại Bắc Mỹ, Université Laval nằm tại thủ phủ Quebec city, một thành phố lịch sử và địa điểm du lịch nổi tiếng của Canada.

Ngòai ra tại Quebec còn có các trường như Université de Sherbrooke, Ecóle Polytechnique de Montreal, Université du Quebec, Concordia University v.v

British Columbia (BC): là tỉnh miền tây Canada, giáp Thái Bình Dương, rất gần Seatle, với cộng đồng người châu Á đông nhất Canada. Ở BC có Vancouver, thành phố tốt nhất thế giới nhiều năm liền và đảo Victoria tuyệt đẹp, thủ phủ của tỉnh bang mệnh danh là thủ đô du lịch của Canada. University of British Columbia (UBC) tại Vancouver là trường đại học nổi tiểng không chỉ trong top 5 ở Canada mà trên thế giới về đào tạo. UBC nổi tiếng là có campus đẹp nhất Canada, thường xuyên là địa điểm quay phim của Holywood với những bãi biển tuyệt đẹp. Ngòai ra, tại BC, Simon Fraser University và University of Victoria cũng được biết đến như những trường ĐH chất lượng.

Alberta: được biết đến với dãy núi Rocky và là thủ đô dầu mỏ của Canada , nên mặc dù với khí hậu lạnh hơn các vùng khác, Alberta vẫn là vùng đang phát triển nhanh chóng của Canada. University of Alberta là trường ĐH lớn và lâu đời của Canada, nổi tiếng về y khoa và công nghệ dầu mỏ, trong khi và University of Calgary cũng là trường ĐH đang phát triển một cách mạnh mẽ. Học phí ở ở Alberta cho sinh viên quốc tế khỏang 4,000CAN$/ kỳ nhưng dường như chi phí sinh hoạt đang có chiều hướng tăng vì đây là khu phát triển mạnh nhất của Canada với rất nhiều cơ hội làm việc.

Trên đây là những cảm nhận tóm tắt chủ quan để tham khảo cho ai muốn sang học tập ở Canada. Việc xin học trường nào, nên dựa trên xem xét cân bằng giữa các yếu tố ngành học, kết quả học tâp và ngoại ngữ, học bổng và môi trường sống để chọn trường phù hợp. Và hơn hết là sự kiên trì và nhiều khi là một chút may mắn, "there is a will, there is a way".

*Tý giá 1US$=1.2CAN$

Montreal, 27/2/2007,

Học sau đại học tại Canada (I)

Đây là một bài viết trên diễn đàn đã lâu, đã được sửa lại cho nghiêm chỉnh hơn, hy vọng bạn bè muốn di học ở Canada, sẽ tìm thấy những thông tin có ích nào đó.

Kính tặng thầy Vân

Thời gian gần đây, ngày càng nhiều sinh viên Việt nam đến Canada học tập. Nhưng những thông tin về việc học tại Canada dù đã được đăng rải rác tại rất nhiều báo chí, vẫn có rất ít so với các nước khác. Để giúp tìm hiểu thêm về việc học tập và sinh hoạt tại Canada, tôi xin chia sẽ những hiểu biết của mình môt cách khái quát nhất về việc học sau đại học tại Canada sau hơn 6 năm học tập tại đây. Kinh nghiệm xin học Đại học nằm ngoài phạm vi bài viết này, hy vọng sẽ có thời gian quay lại ở một dịp khác.

Thời tiết ở Canada và môi trường sống, học tập

Đúng là ở khí hậu ở Canada mùa đông rất lạnh và khắc nghiệt, ở đây một năm có 5-6 tháng mùa đông, mùa xuân chỉ khoảng 2-3 tuần, nên cứ nhắc tới Canada là nhắc tới băng tuyết. Mùa đông nhiệt độ lạnh nhất khoảng từ -20 đến -30 độ chủ yếu trong tháng 1 và 2, ở các thành phố đông dân cư sinh sống. Nhiệt độ trung bình thường khoảng -10 đến -15 độ cho mùa đông. Nhưng xin đừng sợ, ở đây sẽ rất lạnh khi phải ở ngoài trời lâu (hơn 30') , nhưng vì phương tiện giao thông công cộng ở các thành phố đông dân cư khá tốt nên ít khi bạn phải chờ lâu ở ngoài trời lạnh giá. Còn trong nhà và trường học đều có sưởi và không có gì phải lo lắng. Rất hiếm người sang Canada học phải bỏ về vì lạnh. Ở Canada lạnh khô, nên cảm giác lạnh không khó chịu như cái lạnh ẩm của miền Bắc Việt nam, nhiệt độ +10 là có thể thấy người dân Canada mặc áo sơ mi ra ngoài , không như ở Hà nội 13 độ C là vẫn còn rét căm căm. Cái đáng sợ của mùa đông ở Canada là khung cảnh ảm đạm và thiếu ánh sáng, làm rất nhiều người không quen bị stressed. Nhưng rồi các trò thể thao mùa đông: trượt băng, trượt tuyết , khúc côn cầu hay các lễ hội mùa đông, thi điêu khắc băng, ăn siro cây phong trên tuyết hay câu cá dưới băng sẽ làm bạn thấy mùa đông cũng không quá nhàm chán. Thời tiết Canada rất đẹp khi vào mùa hè và mùa thu. Thiên nhiên ở Canada khá nhiều rừng, với khung cảnh tự nhiên hoang dã, nên mùa thu vàng của với những rừng cây phong khi thay lá rất đẹp và lãng mạn. Mùa hè là mùa sôi động, dân Canada đi camping (cắm trại ngoài trời) hầu hết các ngày cuối tuần đến các công viên quốc gia nổi tiếng, hình thức dã ngoại rất được các sinh viên ưa chuộng. Mùa hè nhiệt độ cũng có khi lên đến hơn 30 độ C, nhưng đa số là 20-25 độ C, và vì khí hậu khô ít mồ hôi nên rất dễ chịu, không qúa nóng.

Từ năm 1993, 6 năm liền Canada được coi là nước hạnh phúc và đáng sống nhất trên địa cầu. Dân Canada rất hiền và thân thiện, có lẽ vì là nơi đất rộng người thưa, thiên nhiên ưu đãi và dễ sống, nên đối xử hòa nhã với hầu hết các dân tộc khác. Môi trường sống ở Canada cũng khá an toàn, việc trộm cắp, móc túi, ăn cắp vặt có thể nói là ít hơn nhiều so với các nơi khác. Có đặc điểm nữa là người Canada đại bộ phận là dân nhập cư với 150 sắc dân, với nền văn hóa rất đa dạng nhưng chưa từng xẩy ra việc sắc dân này bất hòa với sắc dân khác, nên sinh viên quốc tế hòa nhập vào văn hóa ở đây rất nhanh, không có cảm giác bị phân biệt chủng tộc hay đối xử. Có người ví nền văn hóa của Canada là một tấm thảm mosaic nhiều màu, như một mảnh vườn trồng trăm hoa, trong đó văn hóa mỗi dân tộc được bảo tồn và góp chung vào vườn hoa đa văn hóa của Canada, không bị cưỡng ép đồng hóa vào lò chung như nền văn hóa "melting pot" của Mỹ.

Ở Canada có khoảng 200 nghìn người Việt sinh sống, tập trung ở một số thành phố lớn như Toronto (hơn 80 nghìn),Montreal (40 nghìn) , Vancouver, (hơn 30 nghìn), Ottawa (10 nghìn).. Đại bộ phận Viêt kiều Canada khá thân thiện với du học sinh và cũng rất sẵn sàng giúp đỡ những người mới sang hòa nhập vào cuốc sống ở đây. Nếu bạn ở những thành phố lớn như Toronto, Vancouver hay Montreal, thì thực phẩm và đồ ăn Châu Á, đồ ăn Việt nam tại các chợ Tầu, chợ Việt cũng không khó kiếm hơn ở Việt nam là mấy.

Các trường Đại học ở Canada

Nền giáo dục Đại học (ĐH) và sau ĐH của Canada, có cảm tưởng là sự pha trộn của hai nền giáo dục Anh và Mỹ (cũng giống như thể chế của nó vậy),trừ các trường ở tỉnh Quebec tiếng Pháp là có pha chút hơi hướng của hệ thống tiếng Pháp (Francophone). Các trường ĐH ở đây đào tạo văn bằng chương trình theo hệ thống kiểu Mỹ nhưng lại là các trường công lập, có bao cấp giống trường học như châu Âu. Vì thế nên lại tạo ra sự khác biệt chút so với cả Anh và Mỹ. Khác với Mỹ hay Anh, ở Canada không có những trường đặc biệt nổi tiếng như Oxbridge của Anh hay MIT, Caltech, Stanford nhưng chất lượng các trường lại rất tốt và khá đồng đều, không có sự khác biệt quá lớn như ở Mỹ. Các trường ĐH có đào tạo chuyên ngành sau đại học ở Canada đại đa số đều đuợc công nhận (accreditited) ở Bắc Mỹ , và tất nhiên là được các nước trên thế giới công nhận và đánh giá cao. Ở Canada có khoảng hơn 40 các trường ĐH lớn (universities), con số quả là nhỏ so với khoảng vài nghìn trường của Mỹ. Ở Canada cũng có rất nhiều các trường Colleges nhưng vì các trường này chỉ đào tạo bằng cử nhân, cao đẳng hoặc tập trung đào tạo nghề nên xin không đề cập ở đây trong phần học sau đại học. Xin vào đây để có list các trường của Canada: www.schoolsincanada.com

Xin học sau đại học(graduate study):

Tốt nhất khi tìm hiểu học sau đại học, nên vào trực tiếp website của trường dựa vào địa chỉ trên hoặc nếu biết trên trường thì nên tìm kiếm trên internet thông qua Google. Trong website của trường, trong phần Graduate Addmissions, sẽ có đầy đủ thông tin về thủ tục xin học, yêu cầu điểm học (thường là 3.0/4.0 hay 75%, điểm ở Việt nam khoảng từ 7.5 trở lên là được chấp nhận vào học), tiếng Anh (ở các trường học tiếng Anh) v.v. Các bạn cũng nên xem qua website của khoa mình định xin học (department website), để biết về điểm mạnh của khoa , tìm hiểu các giáo sư và đặc biệt xem hướng nghiên cứu của họ để xem trường nào hoặc thầy nào có hướng nghiên cứu mình thích , phù hợp với chuyên ngành mình định học để có thể gửi email liên hệ trực tiếp hỏi thông tin. Học sau đại học, mỗi trường mạnh một chuyên ngành riêng và không có trường hay khoa nào là tốt hoặc kém tất cả các ngành, đặc biệt về các hướng nghiên cứu sâu. Nhưng ngay cả khi các bạn xin được vào đúng thầy mà mình muốn, cũng không chắc đã được làm cái mình đề nghị, mà đa số là cái chỉ định làm theo project của giáo sư hướng dẫn (tất nhiên với sự đồng ý của sinh viên). Nên phần proposal viết khi application nếu có chỉ là ý chung chung thể hiện đề đạt những nguyện vọng nghiên cứu thôi, không nhất thiết là cái sẽ phải làm sau này.

Về điểm học, thông thường điểm học từ 7.5 trở lên ở các trường ĐH Việt nam (kể cả dân lập), là có thể được nhận vào học cao học. Bảng điểm thông thường sẽ được dịch công chứng sang tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Có một vấn đề là điểm học ĐH ở Việt nam thông thường sẽ thấp hơn so với thang diểm bên Canada, gây thiệt thòi khi xin học cũng như xin học bổng. Ở Việt nam được 8.0/10 , đặc biệt với khối trường kỹ thuật là khó khăn, trong khi 80% (GPA 3.2/4) là không quá khó với một sinh viên khá ở Canada hay các nước theo hệ thống thang điểm A,B,C. Một lời khuyên khi xin học là bảng điểm khi công chứng sang tiếng Anh (Pháp), tốt nhất nên xin công chứng tại trường mình học ở Việt nam, kèm theo tài liệu giải thích hệ thống thang điểm của trường , để khi xem họ sẽ đánh giá chính xác hơn. Đặc biệt với các các sinh viên xin học bổng, việc cung cấp xếp hạng trong lớp, trong khóa hay toàn trường kèm trong bảng điểm sẽ giúp ích rất nhiều. Một sinh viên tốt nghiệp một trường kỹ thuật ở VN với điểm trung bình 8.0 (80%), sẽ là bình thường nhưng nếu kèm theo bảng điểm là chứng nhận xếp thứ 2 hoặc thứ 3 toàn khóa của hàng nghìn sinh viên thì sẽ tạo nên sự khác biệt.

Về ngoại ngữ, tất nhiên nếu xin học các trường học tiếng Anh, bạn phải thi tiếng Anh nếu không học ĐH ở các nước có tiếng Anh là bản xứ (Anh, Mỹ, Úc, New Zealand v.v). Xin vào học các trường tiếng Pháp (tỉnh Quebec hoặc New Brunswick) thì có thể không cần yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ. Tuy không yêu cầu chứng minh trình độ ngoại ngữ như tiếng Anh, nhưng nếu trình độ tiếng Pháp kém, thì không theo học được và sẽ bị thôi học. Các trường ở Canada thường yêu cầu chứng chỉ TOEFL, mặc dù một số trường chấp nhận IELTS. Thông thường yêu cầu tối thiểu để vào học sau đại học là điểm 550 TOEFL paper based(hoặc tương đương cho thi Internet based), hoặc IELTS 6.5, một số ngành học hoặc một số trường có thể yêu cầu cao hơn. Đạt yêu cầu tối thiểu về ngoại ngữ cũng không chắc đã được nhận vì còn phụ thuộc điểm học, tuỳ tỷ lệ cạnh tranh của các trường từng năm. Ở đây cũng có kỳ thi để kiểm tra trình độ tiếng Anh nhận vào trường của Canada ngoài kỳ thi TOEFL hay IELTS nhưng chủ yếu là để tuyển sinh viên học ĐH, và muốn thi nó thì thường phải học một khóa tiếng Anh ở các trường ĐH ở Canada. Chứng chỉ GRE, đa số không yêu cầu nhưng có trường sẽ yêu cầu tuỳ thuộc bằng cấp xuất xứ từ đâu. Nếu học MBA thì chắc chắn thi GMAT là bắt buộc.

Việc nộp hơ sơ xin học, hàng năm các trường ở Canada đa số nhận sinh viên cao học vào kỳ mùa thu (nhiều nhất) và vào kỳ mùa đông. Việc xét học bổng cũng chủ yếu cho kỳ nhập học mùa thu. Để có thể bắt đầu học vào kỳ mùa thu của tháng 9 , thường bạn phải hoàn thành xong và nộp hồ sơ xin hoc vào tháng 2 hoặc chậm nhất là đầu tháng 3. Hạn nộp tùy vào trường và tùy khoa mà bạn xin học, sẽ có hướng dẫn cụ thể trong trang tin của trường. Riêng với hồ sơ xin học bổng nên nộp càng sớm càng tốt, có thể vào tháng 12 của năm trước hay tháng 1. Nếu xin học kỳ mùa đông, có thể nộp hồ sơ tháng 4, tháng 5.

Thời gian học , các trường Canada chương trình và thời gian học gần giống các các trường ĐH ở Mỹ, một khóa thạc sỹ (master) thông thường là hai năm, có thể một số ngành 18 tháng nhưng hầu như ít có master 1 năm như ở châu Âu. Thời gian làm tiến sỹ (Ph.D.) có thể kéo dài từ 3-6 năm, thông thường là 4.-4 năm rưỡi, tùy thuộc vào năng lực từng cá nhân. Thường sẽ phải có bằng master trước khi vào học tiến sỹ (Ph.D.), môt số người có thể bỏ qua master chuyển thẳng làm Ph.D. trong 5 năm nhưng ban đầu vẫn phải đăng ký học master nếu thấy học khá thầy hướng dẫn sẽ đề nghị cho chuyển tiếp. Một số người có bằng DEA ở Pháp, có thể được vào học thẳng doctor ở các trường Quebec nhưng có thể phải học thêm một số môn của chương trình master. Đa số các trường có 3 kỳ (semester): thu (tháng 9-12), đông(1-4) và xuân hè (5-8) , riêng mùa hè bạn có thể không đi học nếu không có khóa học, có thể đi làm thêm hoặc về Việt nam. Riêng sinh viên làm nghiên cứu hè vẫn học và vẫn phải trả học phí như các học kỳ khác.

(continued)

Yêu và cưới

Vừa già vừa lẩm cẩm…
Điều gì làm nên một cuộc hôn nhân, hay có thể để làm cho cuộc sống gia đình tồn tại (chưa nói tới hạnh phúc)? Tình yêu, có những người yêu nhau khá nhiều mà vẫn không thể sống được cùng nhau, chỉ yêu để mà yêu thôi. Và có khá nhiều người không yêu nhau những gia đình của họ vẫn hòa thuận. Chắc chắn không phải là sự tương xứng về bằng cấp, về địa vị XH và càng không phải sự hấp dẫn về sex. Những cái đó là cần thiết nhưng không phải là quan trọng nhất. Có lẽ cái căn bản là sự hòa hợp trong quan niệm cuộc sống, cách đối xử với những người xung quanh và sự tôn trọng lẫn nhau. Làm sao có thể hạnh phúc khi cách cư xử trong cuộc sống của hai người luôn có những điều trái ngược, và không tôn trọng người kia. Cả hai đều phải dẹp đi cái tự ái và ích kỷ của chính mình để willing phù hợp với người kia, bằng không thì dù một phía có cố gắng đến mấy thì tình cảm cũng không thể đi đến đâu. Làm sao có thể hy vọng mình thay đổi một người khác, mà chỉ nên cố gắng thay đổi điều chính mình để chấp nhận người khác, nếu mình muốn điều đó, còn khi không thể thay đổi và chấp nhận được thì liệu có thể tồn tại hôn nhân không?
Hôn nhân khác tình yêu, tình yêu có thể không cần điều kiện gì nhưng hôn nhân thì có những nguyên tắc cơ bản mà nhiều khi rất yêu nhưng cũng ko thể tiến tới hôn nhân. Hôn nhân cần tình yêu nhưng còn nhiều thứ khác. Vì hôn nhân, (ít nhất là với dân Việt) không chỉ là sự liên quan của hai người, chỉ cho riêng mình mà còn cho cả những người thân của mình nữa. Với người Việt, vợ (chồng ) là quan trọng nhưng (rất tiếc) không phải tất cả, vì còn có những người ruột thịt, bố mẹ, anh chị em. Cái này khác hẳn với Tây khi mà cuộc sống của mọi người là riêng tư, tự họ định đoạt, chả ai liên quan đến ai. Một tâm hồn Việt, cho dù có đi Tây đi Tàu thì cái quan niệm thâm căn cố đế ấy nó cũng sẽ vẫn trụ lại ở trong đầu óc (bị coi là cổ hủ). Biết làm sao được khi mình nên sống thực là mình, làm những điều mình nghĩ, ghét những điều mình ghét, cho dù bị coi là cổ hủ dở hơi hay gì đi nữa.
Đúng là yêu thì có thể yêu nhiều nhưng lấy thì chỉ nên lấy một lần, nếu được người mình yêu nhất thì tốt nhưng có lẽ chỉ cần người phù hợp với mình nhất.

Phở Hà Nội của tôi


Đi xa Hà Nội có bao nhiêu điều để nhớ, để níu kéo trở về. Những chứng tích lịch sử ngàn năm, những con người Tràng An thanh lịch, những ngày hè "tản mạn mùa sen", những chiều chớm lạnh với “Cúc vàng Mùa Thu”... Và cả với phở của Nguyễn Tuân, “phở Hà Nội của tôi” nữa...

Trước khi lên máy bay xa Hà Nội, tôi vẫn còn kịp ra phở Thìn, hàng phở ruột để ăn sáng, theo như lời ba mẹ nói để nhớ hương vị Hà Nội.

Soạn: AM 894379 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Hà Nội thanh bình. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tôi chắc với đại đa số người Hà Nội, phở không cầu kỳ như cái cách cụ Nguyễn Tuân hay Thạch Lam ca ngợi trong những tác phẩm nổi tiếng mà mãi sau này khi xa Hà Nội tôi mới đọc, nó đơn giản như mọi người ở Hà Nội đều ăn phở, thích phở mỗi buổi ăn sáng, ăn đêm.

Tôi cũng không biết tại sao cụ Nguyễn bảo rằng chỉ có phở chín mới gọi là phở, tôi lại chỉ thích phở tái, thi thoảng chuyển sang gầu hay nạm đổi vị. Dù ăn bát phở đầu ngõ gần nhà, hay sau này khi lân la một loạt các hàng phở nổi tiếng được người ta truyền tụng: Tư Lùn, Bát Đàn, "Mậu dịch" Lý Quốc Sư, phải tinh ý lắm mới để ý được cái khác nhau giữa các hàng phở ở Hà Nội.

Dường như phở kém chất lượng sẽ không tồn tại được với người Hà Nội vốn được tiếng sành ăn. Tôi chưa bao giờ vào Sài gòn, để đươc hưởng cái vị phở Bắc ngọt ngọt lợ lợ vốn chỉ thưởng thức qua các lần nghe kể. Còn đi ra ngoài ở các nơi xung quanh Hà Nội, chỉ vài lần ăn cái người ta gọi là "phở", tôi không bao giờ ăn lại, liệu có cầu kỳ và thiên lệch quá không?

Một người bạn Nam Bộ của tôi ra Hà Nội hỏi tại sao ở nhiều quán phở Hà Nội không có người phục vụ bưng bát đến tận bàn. Biết làm sao, khi đã trở thành thói quen, sự thích thú khi cầm bát đứng xếp hàng ở ngay quầy cạnh thùng nước phở, được nhìn ông bán phở thái thịt và tự bưng bát về chỗ ngồi ăn thật nhanh cho nóng toát mồ hôi và xuýt xoa thì sẽ quên ngay đi cái cảm giác nhàn hạ được phục vụ tận tình rất đặc trưng Nam Bộ.

Phở nơi tôi đang ở, người ta gọi bằng đủ cái tên, phở Hà Nội, phở Thủ đô, phở Bắc v.v... nhưng để tôi công nhận là phở Hà Nội của tôi, thì không bao giờ! Phở Hà Nội của tôi, bánh phải là bánh phở tươi, mềm và dai, không có giá sống hay giá trụng qua nước sôi, húng “chó” hay có vị lợ lợ đựng trong cái bát "xe lửa" to như cái chậu nhìn mà ngán. Ngày đầu tiên tôi ăn phở xa Hà Nội nửa vòng trái đất, tôi gọi nó là mỳ luộc, vậy mà 5 năm không một lần về nhà, tôi đã quen dần. Khi ăn phở không còn thấy tanh khi ăn giá sống và thấy rau húng cũng khá dễ chịu. Chợt giật mình liệu khi mình về ăn phở Hà Nội có chê nhạt hay bước vào hàng phở có chê bẩn như những người Việt ở đây không? Biết đâu!

Soạn: AM 894375 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Hà Nội của tuối thơ. Ảnh: Lê Anh Dũng

Vậy là phải về thôi. Hà Nội của tôi sau 5 năm, thay đổi nhiều quá! Nhưng thật may, món phở và các hàng phở của tôi vẫn thế, có chăng là đắt thêm 2 ,3 nghìn do lạm phát. Vẫn cái bát con, mà bây giờ tôi phải ăn hai bát mới đủ no, không có giá, không có húng, cũng không có nhiều thịt, nhưng cái miếng thịt mềm, những sợi phở và mùi nước phở và quán ám khói bụi than khiến tôi tìm lại cảm giác thân thuộc bao năm mới có được. Phở Hà Nội của tôi, dù con người tôi có thay đổi thế nào, vẫn như xưa, tinh khiết vị phở, vị gừng, hồi, mùi mỡ bò ám quyện lại môt mùi vị rất đặc trưng. Và tôi, sau vài ngày lạ lẫm với những ngôi nhà chung cư, những đường phố mới, đã trở lại thân quen với Hà Nội như tôi đã từng sống, với những đường phố của những ngày thơ bé.

Một lần trở về ngắn ngủi, để tôi biết rằng, Hà Nội với tôi vẫn là Hà Nội của ngày xưa, vẫn cho tôi cảm giác yên bình và thoái mái. Dù mai này các quán ăn nhanh McDonald, KFC mọc lên, người Hà Nội có đi ăn thử những bát phở 24, phở Cali cho “sành điệu” trong những quán ăn bóng lộn, bát phở to với quy trình công nghiệp thì phở của tôi, với cái bát con con, với những quán cũ hơi xập xệ và những hàng người xếp hàng chờ phở vẫn sẽ tồn tại như nhưng giá trị bản sắc của người Thăng Long mà mãi từ nghìn năm nay vẫn thế. Và những người con của Hà Nội xa quê, trong đó có tôi, mong từng ngày trở về với Hà Nội, để đưọc xếp hàng cầm bát phở, "cho bát tái chín, một nghìn quẩy...".

Phở và Hà Nội của tôi, không thay đổi, và sẽ mãi mãi là vậy. Tôi chắc thế!

Luu Chiu

Montreal, tháng 9 2006,

(http://vietnamnet.vn/thuhanoi/2006/09/611372/)

Mùa Sấu

Xa Hà Nội, người ta tính bằng mùa hoa bằng lăng, mùa hoa sữa, còn tôi thì bảo đã 5 mùa sấu rụng, xa nhà, chưa một lần trở về, sức chịu đựng của con người nhiều khi cũng khó mà tưởng tượng được. Đã bao lần người ta hỏi có nhớ Hà Nội không, có chứ!

Có lẽ chỉ có một thứ nhớ cồn cào mà xa Hà Nội không có, đó là sấu.Cứ mỗi lần nhắc đến sấu, lại ứa nước miếng! Vì sấu chua, vì thèm, mà thèm thật, thèm nhỏ dãi! Hình như sấu chỉ có ở Hà Nội, có nghe ở đâu đó miền bắc Hải Dương, Thái Bình cũng có trồng sấu, nhưng chắc chỉ có người Hà Nội mới sử dụng sấu như món quà đường phố tuyệt vời thế. Mùa hè, rau muống dầm sấu, chua mà thanh, cả me cả xoài xanh dầm cũng không thể có vị ngon chua dịu dịu thế được. Xa nhà, mỗi hè ở đây ăn vài bữa rau muống (đắt lè mắt), có chanh vắt vào là tốt lắm rồi. Canh thịt nạc nấu sấu, sườn sấu, chẹp chẹp, hơn đứt canh nhót thịt nạc của Vũ Bằng!

Còn sấu dầm thì khỏi nói, đường Trần Hưng Đạo đang đi trời nắng chang chang tạt vào làm cốc sấu dầm, mát lịm, chua chua ngòn ngọt, miếng sấu cắt khoanh không bị đứt, dài dài, dòn tan trong miệng chả có ở đâu có được. Ngày xưa thích mãi cái nhà ba mẹ định mua cũng chỉ vì cái nhà đấy có cây sấu to, đến mùa nó rụng xuống cá rổ sấu chín vàng rộm. Không được ở nhà đó cứ tiếc ngẩn ngơ mãi. Xa nhà, thỉnh thoảng lắm có người mang sang lọ sấu dầm đường mua từ Hàng Đường, không phải sấu chín, chỉ có sấu xanh cũng phải dè xẻn phân phối, quý lắm. Có người thích ô mai sấu, còn tôi lại không khoái. Ô mai sấu bị vị gừng át đi không còn giữ được vị ban đầu chua chua ngòn ngọt thanh thanh của sấu mữa rồi! Mùa sấu rất ngắn, lại ít, lấy đâu ra để xuất khẩu nhỉ.

Hình như Hà Nội ngày càng ít sấu đi, và ai sẽ đi thu hoạch sấu nếu không còn bọn trẻ lang thang ? Lũ thanh niên thời @ ai lại đi trèo me trèo sấu ? Có bao giờ sấu biến mất không nhỉ? Các nhà khoa học nông nghiệp làm thế nào để giữ và nhân giống sấu được nhỉ? Không được, nhân giống trang trại, khi thế thì lại nhiều quá, mà cái gì nhiều có khi lại thành tầm thường. Mong lại có ngày về nhà đúng dịp hè để được ngồi trên phố, uống cốc nước sấu dầm. Nhưng già rồi, chả lẽ lại ngồi vỉa hè như lũ học sinh? Thời gian trôi nhanh quá, và chỉ còn kỷ niệm vẫn như vừa xảy ra những ngày hôm qua. Ước gì tôi có thể về Hà Nội như thời bé thơ, để nhớ Hà Nội và những mùa sấu!

Montreal, July 21, 2005

Luu Chiu
(http://www.hanoimoi.com.vn/vn/40/53825/)