Wednesday, October 24, 2018

THIỀN LÀ GÌ

                                                      What Meditation Is – William Hart
                                                    Sayagyi U Ba Khin Journal (p191-193)
                                                                                                                    
(Bản dịch do nhóm thiền sinh Vipassana thực hiện, không copy dưới mọi hình thức).

 Năm 1976 tôi nghỉ việc và tới sống tại một thành phố nhỏ ở Ấn Độ để học thiền. Khi người khác nghe thấy như thế, họ thường hỏi tôi, “Bạn làm gì khi hành thiền?” Dĩ nhiên theo nghĩa thông thường, thiền có nghĩa là “không-làm-gì-hết,” chúng ta phải ngưng tất cả những gì chúng ta thường làm trong cuộc sống hằng ngày, và bắt đầu làm điều ngược lại.

Phương pháp thiền tôi học được gọi là Vipassana. Đây là một từ bằng tiếng Pali, ngôn ngữ ở Ấn Độ vào thời của Đức Phật. Vipassana có nghĩa là tuệ giác, tuệ tự chứng - thấy thực tế, sự thật; hiểu thấu đáo sự thật bằng cách chứng nghiệm sự thật trong bản thân.

Trong suốt cuộc đời, chúng ta bận rộn nhìn ra bên ngoài. Chúng ta chỉ bận tâm xem người khác đang làm gì, chúng ta không quan tâm đến chính mình. Khi hành thiền, chúng ta phải thay đổi những việc đó, và bắt đầu quan sát chính mình.

Chúng ta ngồi xuống, bất động và nhắm mắt lại. Không có cái gì để nghe và thấy, không quan tâm đến điều gì bên ngoài. Do đó chúng ta nhìn vào bên trong và thấy rằng điều lớn nhất đang xảy ra là hơi thở của chính mình. Chúng ta bắt đầu để ý tới thực tại này: hơi thở đi vào, đi ra. Chúng ta cố chú tâm vào hơi thở càng lâu càng tốt, phớt lờ đi những ý nghĩ khác.

Ngay lập tức chúng ta thấy điều này khó làm như thế nào. Ngay khi cố chú tâm vào hơi thở, chúng ta lại quan tâm tới sự đau nhức ở chân. Ngay lúc chúng ta cố chặn đứng những ý nghĩ, hằng ngàn điều hiện ra trong tâm. Ngay lúc chúng ta cố quên đi quá khứ hay tương lai và cố gắng có ý thức về hơi thở hiện hữu đi qua mũi ngay trong giây phút này, thì ngay lập tức, một số ký ức dễ chịu hay khó chịu, một số kỳ vọng hay lo sợ cho tương lai nảy sinh. Chúng ta mau chóng quên bẵng đi những gì chúng ta định làm.

Sự kiện là tâm giống như một đứa trẻ được nuông chiều quá mức với quá nhiều đồ chơi. Nó bắt đầu chơi với một thứ, rồi trở nên nhàm chán và vớ lấy một món khác, rồi một món khác. Cùng một kiểu cách, tâm không ngừng nhảy từ một đối tượng này sang một đối tượng khác, và bằng cách này chúng ta không ngừng trốn tránh thực tế.

Bây giờ chúng ta phải chặn đứng điều ấy. Thay vì cố gắng trốn tránh, chúng ta phải đối diện với thực tại, cho dù có thế nào đi nữa. Và như vậy, chúng ta kiên nhẫn cố mang tâm trở lại với hơi thở. Chúng ta thất bại và lại cố làm đi làm lại.

Sau một thời gian chúng ta thấy rằng tâm đã chú ý lâu hơn một chút vào đối tượng là hơi thở. Chúng ta đã thành công cho dù là rất ít ỏi trong việc thay đổi khuôn mẫu hành xử của tâm, tập cho tâm tập trung chỉ vào một đối tượng duy nhất.

Dùng sự tập trung mạnh mẽ này, chúng ta cố tình thay đổi một cách có hệ thống đối tượng của sự chú tâm, để khảo sát mọi phần của cơ thể; và bởi vì tâm và thân tương quan mật thiết với nhau, chúng ta đồng thời khảo sát tâm của mình.

Sự tự khảo sát này thường mang lại cho hành giả nhiều điều ngạc nhiên. Nhiều cảm xúc phức tạp trong quá khứ phát sinh từ tầng lớp sâu thẳm trong vô thức - đủ loại những ký ức, những ý nghĩ và cảm xúc đã quên bẵng đi từ lâu. Đặc biệt trong lúc mới bắt đầu, những ký ức đã quên này thường đem lại nhiều khó chịu về thể xác cũng như tinh thần, ngay cả đau đớn.

Tuy vậy, chúng ta không để cho sự khó chịu này ngăn cản sự hành thiền. Công việc của chúng ta là quan sát sự thật của bản thân, bất kể là gì đi nữa - giống như một khoa học gia quan sát một thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Chúng ta thường phản ứng lại bất cứ ý nghĩ nào, bất cứ cảm xúc nào, bất cứ ấn tượng nào hiện ra trong tâm. Nếu nó là cái gì dễ chịu, chúng ta bắt đầu mong muốn nó – thêm nữa, thêm nữa; nếu nó là khó chịu, chúng ta bắt đầu ghét bỏ nó – làm sao để tránh né hoặc trốn chạy. Nhưng khi ta hành thiền, chúng ta chỉ nên biết đến những gì xảy ra trong bản thân, và chấp nhận nó là sự thật. Chúng ta không cố thay đổi nó hay trốn tránh nó; chúng ta chỉ quan sát mà không phản ứng.

Nếu chúng ta kiên trì, chúng ta sẽ nhanh chóng nhận ra rằng những trải nghiệm của chúng ta không ngừng thay đổi. Từng giây phút, ý nghĩ trong tâm thay đổi. Sự thực này, sự thật của chính tôi – đang thay đổi từng giây phút. Không cái gì tồn tại mãi mãi – ngay cả đối với cái dễ chịu hay khó chịu nhất.

Như vậy bằng cách quan sát chính mình, chúng ta tới lúc hiểu, bằng sự trải nghiệm của chính mình, một điều quan trọng: Anicca (tiếng Sanskrit anitya) – vô thường, sự thực của đổi thay. Mọi thứ trong tôi, và cũng như mọi thứ ở thế giới bên ngoài, đang thay đổi từng giây phút.

Dĩ nhiên là chúng ta biết điều này, và những nhà khoa học hiện đại đã chứng minh điều này là đúng – là toàn thể thế giới vật chất gồm những vi tử li ti sinh diệt hằng triệu lần trong một giây Nhưng thay vì chỉ nghe nói về sự thật này hay hiểu biết bằng tri thức, chúng ta trực tiếp chứng nghiệm được nó bằng cách thiền.

Chúng ta tiếp tục và chúng ta nhanh chóng nhận ra rằng, nếu không có cái gì tồn tại hơn một khoảnh khắc, rồi thì không có cái gì trong tôi gọi là ngã, một bản thể - không tôi, không ta, không của tôi. “Cái “Tôi” này chỉ là một hiện tượng, một tiến trình luôn luôn thay đổi. Và khi nào ta cố nắm giữ cái gì đó, nói là “Đây là Tôi, đây là ta đây là của tôi,” thì ta làm cho mình không vui, ta gây ra khổ đau cho chính mình - bởi vì không sớm thì muộn, cái đó sẽ mất đi, hay là cái Tôi” cũng mất đi.

Tôi hiểu tất cả những điều này không phải vì ai đó nói cho tôi biết – tôi tự mình chứng nghiệm bằng cách tự quan sát.

Thế thì ta tự làm cho mình khổ bằng cách nào? Rất giản dị: thay vì cố nắm giữ một kinh nghiệm và tránh né một kinh nghiệm khác, níu kéo cái này về mình, xua đuổi cái kia đi chỗ khác – tôi chỉ quan sát; tôi không phản ứng. Tôi quan sát với sự bình tâm, với một tâm quân bình.

Nghe thì có vẻ dễ dàng, nhưng ta sẽ làm gì khi ngồi thiền một tiếng đồng hồ, và sau mười phút bắt đầu cảm thấy đau ở đầu gối? Ngay lập tức tôi ghét bỏ cái đau; tôi muốn cái đau mất đi. Nhưng nó không mất đi, và tôi càng ghét bỏ, nó lại càng đau.

Nếu tôi học được cách chỉ quan sát cái đau trong một khoảnh khắc - nếu tôi có thể quên đi trong giây lát đây là cái đau của tôi, rằng tôi cảm thấy đau - nếu tôi chỉ khảo xét cảm giác như một nhà khoa học – thì rất có thể tôi sẽ thấy rằng cái đau tự nó biến đổi. Nó không tồn tại mãi mãi. Nó thay đổi từng giây phút, diệt mất, rồi lại phát sinh, rồi lại thay đổi.

Khi tôi hiểu được điều này, bằng kinh nghiệm của chính mình, thì rồi tôi thoát khỏi cái đau. Nó không chế ngự được tôi. Nó có thể mất đi một cách nhanh chóng hoặc có thể không – nhưng nó không thành vấn đề đối với tôi nữa. Tôi không còn bị khổ vì cái đau nữa bởi vì tôi có thể quan sát nó. Tôi đã bắt đầu làm cho mình hết khổ.

Và tôi làm được tất cả những việc này bằng cách ngồi yên với mắt nhắm lại, cố gắng ý thức được những gì đang xảy ra trong người.

Mục đích của thiền Vipassana là để thanh lọc tâm, giải thoát tâm khỏi những khổ đau và những nguyên nhân gây ra khổ. Thông thường chúng ta không hay biết những gì đang thực sự xảy ra. Chúng ta lang thang trong quá khứ hay trong tương lai, mù quáng vì sự thèm muốn và ghét bỏ; và chúng ta luôn bị giao động, đầy căng thẳng.

Nhưng bằng cách hành thiền chúng ta học được cách đối diện với sự thật của giây phút này mà không sinh ra thèm muốn hay ghét bỏ. Chúng ta quan sát với nụ cười - với sự bình tâm, với tâm quân bình.

Ý thức và sự bình tâm này rất hữu dụng cho chúng ta trong cuộc sống hằng ngày. Thay vì vô minh với những gì đang thực sự xảy ra – vô tình theo đuổi một cách mù quáng những thèm muốn, sợ hãi, thù ghét – bây giờ chúng ta có thể thấy được sự thật trong bất cứ tình huống nào. Rồi thay vì phản ứng (tạo nghiệp) một cách mù quáng và tạo thêm căng thẳng, chúng ta có thể có hành động thực sự, không bị ràng buộc và sáng tạo có lợi cho chúng ta và người khác.
Mọi người đều phải đối diện với những khó khăn giống nhau trong cuộc đời: những điều xảy ra mà chúng ta không muốn; sự việc không xảy ra theo ý mình. Trong những trường hợp này, nếu tôi phản ứng một cách mù quáng, tôi tự làm mình và người khác khổ. Nếu giữ được sự bình tâm thì ta duy trì được hạnh phúc và có thể giúp người khác được hạnh phúc.

Khi một người bị bệnh được hồi phục, đương nhiên người đó cảm thấy vui. Khi môt người mù được thấy trở lại, đương nhiên người đó cảm thấy vui. Tương tự như thế khi chúng ta biết cách thoát khỏi khổ đau, tự nhiên là chúng ta cảm thấy vui. Trước đây chúng ta ép buộc người khác san sẻ sự bất hạnh của mình; bây giờ chúng ta muốn người khác san sẻ sự an lạc và niềm vui của mình.

Bởi vậy một người hành thiền đích thực cố thay đổi thế giới sau khi đã thay đổi chính mình. Có thể hành động của người đó chỉ là sự tươi cười thay vì nhăn nhó – nhưng nụ cười đó có thể gây ảnh hưởng rất sâu rộng nếu đó là nụ cười phát xuất tự con tim. Mặt khác một nụ cười sẽ vô dụng nếu nó chỉ là sự che đậy những căng thẳng trong tâm.

Chắc chắn là chúng ta có bổn phận tinh thần để cải thiện thế giới được tốt đẹp hơn – và chúng ta phải bắt đầu bằng phương tiện có sẵn gần gũi nhất: chính chúng ta. Làm được như thế, chúng ta có khả năng làm được mọi thứ.

Như thế, đây là thiền theo sự hiểu biết của tôi: một nghệ thuật sống

No comments: